DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 22/10/2013 20:51
DIC - Quy định hay không quy định khái niệm văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); xác định rõ thẩm quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp là một trong những nội dung có nhiều ý kiến xung quanh dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL (hợp nhất). Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ trình Chính phủ vào tháng 12.2014.
/uploads/news/2013_10/1_37.jpgQuy định khái niệm văn bản QPPLLuật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND đã đưa ra khái niệm văn bản QPPL. Theo đó, văn bản QPPL là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, các tiêu chí được đặt ra trong hai luật trên mới chỉ dừng lại ở tiêu chí chung nhất, thiên về lý luận, việc sắp xếp cũng chưa nhấn mạnh vào các tiêu chí chính. Mặt khác việc hiểu thế nào là “quy tắc xử sự chung” cũng chưa được làm rõ. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong việc xác định văn bản nào là văn bản QPPL, gây khó khăn cho việc ban hành cũng như áp dụng các văn bản QPPL.Từ cách tiếp cận trên, Ban soạn thảo dự thảo Luật ban hành văn bản QPPL hợp nhất xác định dự thảo sẽ quy định về việc ban hành văn bản QPPL của tất cả các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, đồng thời nghiên cứu để có thể mở rộng phạm vi điều chỉnh từ khi có ý tưởng sáng tạo luật, xây dựng văn bản QPPL đến khi triển khai thực hiện văn bản QPPL và đánh giá văn bản QPPL. Luật sẽ không điều chỉnh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy trình tham gia và ký kết các điều ước quốc tế.Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, dự thảo cần làm rõ khái niệm văn bản QPPL làm cơ sở để xác định những văn bản khi xây dựng, ban hành sẽ phải tuân thủ quy trình của Luật. Khái niệm văn bản QPPL là một nội dung quan trọng, tiền đề để xác định, nhận biết những vấn đề gì sẽ được ban hành dưới dạng văn bản QPPL và khi xây dựng, ban hành sẽ phải tuân theo quy trình nhất định, hạn chế việc ban hành các quy tắc xử sự chung dưới các hình thức văn bản quản lý hành chính như công văn, đề án.Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có quan điểm cho rằng, không nên quy định cụ thể khái niệm văn bản QPPL như phần lớn các quốc gia khác. Bởi khó có thể quy định được hết các tiêu chí để xác định văn bản QPPL, trong khi thực tiễn việc xây dựng các văn bản để quản lý nhà nước thì lại vô cùng phong phú. Vì thế, dự thảo chỉ cần quy định cụ thể những nội dung của từng loại văn bản QPPL và quy trình ban hành tương ứng. Khi ban hành văn bản cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào nội dung điều chỉnh để xác định loại hình văn bản và quy trình ban hành.Ông Phan Vinh Quang, Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) chia sẻ, hiện công văn hành chính chiếm 50% văn bản được ban hành và trong số đó không ít văn bản chứa quy định xử sự chung, chẳng hạn Thông báo số 197/TB- CT về việc nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, điện thoai di động ngày 6.5.2011 của Bộ Công thương. Theo công văn này, Bộ Công thương hướng dẫn thêm về thủ tục nhập khẩu các mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động trừ hành lý mang theo của khách nhập cảnh. Vậy đối với những trường hợp nêu trên thì xử lý thế nào? Liệu dự thảo có điều chỉnh những dạng công văn chứa đựng QPPL không? Xung quanh câu hỏi của ông Vinh có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu đưa công văn chứa đựng QPPL vào dự thảo thì sẽ giải quyết được tình trạng rừng công văn như hiện nay. Theo loại ý kiến thứ 2, không nên đưa vào vì đó là văn bản nội bộ, chỉ giải quyết những vấn đề trong phạm vi ngành. Tuy nhiên, từ ý kiến của ông Vinh cho thấy, việc quy định rõ khái niệm văn bản QPPL là cần thiết.Xác định rõ thẩm quyền lập pháp và ủy quyền lập phápThẩm quyền lập pháp của QH đã được ghi nhận tại Hiến pháp. Luật Ban hành văn bản QPPL (hợp nhất) cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền lập pháp của QH, làm rõ hơn những vấn đề chỉ có QH mới có thẩm quyền quy định như tội phạm, thuế, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bên cạnh đó, cũng cần xác định khi nào cần ban hành luật. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, chỉ khi nào các biện pháp quản lý nhà nước không giải quyết được vấn đề, cần có cơ chế chính sách mới thì lúc đó mới cần thiết ban hành luật.Cùng với việc xác định rõ thẩm quyền lập pháp, vấn đề ủy quyền lập pháp cũng cần được điều chỉnh theo hướng làm rõ hơn những vấn đề gì QH ủy quyền cho UBTVQH; phân biệt nội dung của luật và pháp lệnh để làm rõ khi nào phải ban hành luật, khi nào ban hành dưới hình thức pháp lệnh, những vấn đề gì QH ủy quyền cho Chính phủ và các cơ quan khác, phạm vi ủy quyền đến đâu.Băn khoăn về tính khả thi của dự án luật, nhất là trước đề xuất điều chỉnh quá trình tổ chức thi hành, kiểm tra việc thi hành, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Việt cho rằng, làm tốt những vấn đề đã được ghi nhận tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND là tốt lắm rồi. Bởi, theo những quy định hiện hành thì không thiếu quy trình, vấn đề là thực hiện chưa tốt. Ông Việt đề xuất, vấn đề cơ bản không chỉ là những quy định tại văn bản mà còn là điều kiện bảo đảm thực thi văn bản trên thực tế. Đây là vấn đề còn rất yếu tại Việt Nam, vậy không chỉ là sửa đổi, bổ sung văn bản mà cần xem xét cơ chế bảo đảm để luật thực thi.