DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 25/10/2013 05:45
DIC - Tiếp nối những kết quả đạt được từ Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30), Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, xác định cải cách hành chính là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Tuy nhiên, để kiểm soát được những thủ tục mới ban hành theo tinh thần cải cách không đơn giản.
Một trong những kết quả nổi bật của dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh là hỗ trợ xây dựng công cụ đánh giá tác động TTHC, phương pháp tính chi phí thực hiện TTHC và hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn. Bởi từ cơ sở tài liệu hướng dẫn này, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động và tính chi phí thực hiện đối với 3.209 TTHC tại 777 dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC, kịp thời chỉnh sửa nhiều bất cập về TTHC trong dự thảo, từng bước nâng cao chất lượng văn bản. Kết quả này cho thấy, CCHC đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của Tổ chuyên trách; đồng thời với sự ra đời của Hội đồng tư vấn – hình thức thể hiện của hợp tác công tư – đã có hàng nghìn giờ làm việc để đưa ra những khuyến nghị về CCHC.Tuy nhiên, từ góc độ của nhà tài trợ, đại diện Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ cho rằng, có nhiều kiến nghị đơn giản hóa TTHC đã không được triển khai. Điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu cắt giảm chi phí tuân thủ đã không thành hiện thực. Đáng quan tâm hơn, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được những TTHC mới ban hành và đối với những TTHC đã được bãi bỏ, cải cách thì cũng chưa có được sự tuyên truyền để thấy được kết quả của nó. Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC công khai 106.229 hồ sơ TTHC đang được thực hiện tại các cấp chính quyền và 10.113 hồ sơ văn bản có liên quan; trong năm 2011 – 2012 số lượng truy cập để khai thác cơ sở là 2.684.057 lượt Ở góc độ góp phần nâng cao tính minh bạch, giảm sự nhũng nhiễu của cán bộ thi hành công vụ thì có thể thấy rằng, nhiều TTHC chưa được đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đây là một phần việc tưởng như rất đơn giản, nếu xét về thao tác kỹ thuật, song thực tế lại là một trong những điểm nghẽn của cải cách TTHC. Bởi việc công bố những TTHC được cải cách, được xóa bỏ chính là động chạm đến những nhóm lợi ích hướng đến khi ban hành TTHC. Câu chuyện tham vấn chính sách cũng được nhà tài trợ nhắc đến như một bộ lọc trước khi ban hành TTHC. Không chỉ đổi mới hình thức tham vấn, mà cần đầu tư nhiều hơn cho công tác tham vấn để có đượåc những đóng góp thực chất. Điều này, cũng có nghĩa là những đóng góp qua kênh tham vấn cần được tiếp thu trên tinh thần cầu thị, không chỉ dừng lại lấy ý kiến cho đúng quy định của pháp luật.Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, đồng hành với quá trình rà soát, chính là việc kiểm soát được các TTHC trước khi ban hành, phải kiểm soát được các TTHC không cần thiết, gây cản trở cho người dân, xã hội và doanh nghiệp. Vấn đề này có vẻ như không đơn giản, mặc dù có sự tham gia, có mặt của các tổ công tác, người làm công tác cải cách TTHC nhưng tiếng nói của họ trong các ban soạn thảo dường như... chưa đáng kể! Liệu có đủ tư cách pháp lý để phát biểu về một vấn đề nào đó trong quá trình soạn thảo, nếu chỉ là thành viên đại diện trong ban soạn thảo, nhất là quá trình ban hành các văn bản dưới luật ở các bộ, ngành, địa phương? Tiếng nói của họ sẽ bị cân nhắc bởi mục tiêu hướng tới của ban soạn thảo, mà mục tiêu này thường là “siết chặt quản lý”. Và, liệu tổ công tác có đủ nhân lực, vật lực để có mặt ở hầu khắp các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản từ Trung ương đến địa phương. Ở khâu xây dựng văn bản thì vậy, còn khâu thẩm định văn bản thì sao, cho đến thời điểm này, hầu như chưa có văn bản nào bị trả về vì lỗi thừa, hoặc có những TTHC không cần thiết, làm tăng chi phí thực hiện. Thực trạng này dẫn đến hậu quả là một bên thì rà soát TTHC “thừa” và bên khác lại tiếp tục ban hành những TTHC được coi là “không thể thiếu”. Tất nhiên, để giải quyết vấn đề này, thì trách nhiệm không chỉ thuộc về những người làm công tác TTHC, mà rất cần hơn nữa quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong cuộc chung tay cải cách TTHC.