DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 16/10/2013 07:31
Đoàn viên, thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp nhân dân gặt lúa./. Ảnh: Vũ Hòa)
DIC- Điện Biên là tỉnh miền núi nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc. Tỉnh có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc dài 400,861km; trong đó tuyến biên giới Việt-Trung dài 40,861km, biên giới Việt-Lào dài 360km. Những năm qua, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nên tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; chủ quyền an ninh lãnh thổ, an ninh trật tự được giữ vững.
Tuy nhiên, do một số khó khăn về điều kiện về địa lý tự nhiên và những đặc điểm về lịch sử, xã hội nên đồng bào trên khu vực biên giới của tỉnh vẫn còn có những hạn chế nhất định và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội còn chậm phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao; trình độ dân trí thấp và một số nơi còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Từ thực trạng trên, các thế lực thù địch, các loại đối tượng đã thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực, gồm cả về chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.Xuất phát từ thực tiễn khách quan, đồng thời quán triệt Chỉ thị số 34/ CT-BTL, ngày 24/6/2003 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) về việc tổ chức "Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) ở khu vực biên giới"; Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo và Kế hoạch về "Thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự ở xóm, bản khu vực biên giới; chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phong trào trong nhân dân một cách đồng bộ và thống nhất, thúc đẩy phong trào đi vào hoạt động có chiều sâu. Nhờ đó, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự thôn (bản) đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với chính quyền và nhân dân hai nước láng giềng. Mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân các dân tộc biên giới ngày càng gắn bó khăng khít, nâng cao trách nhiệm bảo vệ đường biên cột mốc và chủ quyền lãnh thổ.Để phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn (bản) ở khu vực biên giới thực sự trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên và tự giác của nhân dân khu vực biên giới, trước hết cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, giác ngộ cho quần chúng nhân dân để mọi người dân xác định được trách nhiệm và tự giác tham gia phong trào quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia; đồng thời phải coi đây là giải pháp quan trọng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới nhằm ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Quá trình tổ chức thực hiện phong trào cần quan tâm đến chế độ, chính sách, lợi ích chính đáng, thiết thực cho nhân dân, tạo cho nhân dân có cuộc sống ổn định, yên tâm bám trụ cùng BĐBP xây dựng và bảo vệ biên giới nững chắc.