DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 18/10/2013 05:39
DIC - Trong giai đoạn hiện nay, chất lượng cán bộ các cấp phụ thuộc trước hết vào tầm nhìn mới và phương pháp mới để có tính chủ động, sáng tạo trước thực tiễn thế giới và trong nước biến đổi nhanh và phức tạp.
/uploads/news/2013_10/1_33.jpg Nhìn vào thực tiễn kinh tế - xã hội và năng lực đội ngũ cán bộ hiện nay thì thấy rõ nhu cầu cấp bách về đổi mới giáo dục, đào tạo cán bộ các cấp, vì chất lượng cán bộ là nhân tố quyết định hiệu quả và sức sống của một hệ thống, một tổ chức. Trong giai đoạn hiện nay, chất lượng cán bộ các cấp phụ thuộc trước hết vào tầm nhìn mới và phương pháp mới để có tính chủ động, sáng tạo trước thực tiễn thế giới và trong nước biến đổi nhanh và phức tạp. Đây là một yêu cầu cấp bách vì chúng ta đổi mới kinh tế đã đạt mức thu nhập trung bình thấp (hơn 1.000USD/người) sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng, nhưng hiện nay đang rơi vào nguy cơ tụt hậu dần, không những về kinh tế, mà cả về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ấy là cán bộ thiếu một tầm nhìn mới và phương pháp mới phù hợp với thực tiễn biến đổi nhanh trên thế giới và trong nước. Chỉ có "Nhìn thẳng vào sự thật" (giá trị lịch sử của Đại hội VI của Đảng) mới giúp chúng ta nhận thức được nội dung của tầm nhìn mới và phương pháp mới - điều kiện chủ yếu để cán bộ có tính chủ động, sáng tạo. I. Nhìn thẳng vào thực tiễn biến đổi của thế giới và trong nước - cơ sở hình thành tầm nhìn mới, phương pháp mới 1. Thực tiễn thế giới biến đổi hiện nay cần có tầm nhìn mới từ những đặc điểm sau đây: Thứ nhất: Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế và thể chế kinh tế chính trị. Đó là bước chuyển từ mô hình và thể chế công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên và lao động xã hội vì lợi ích của chủ đầu tư, nên đi đôi với kết quả về tăng trưởng của cải là hậu quả của tàn phá môi trường ngày càng nặng nề và khủng hoảng xã hội. Vì vậy, cuộc sống đặt ra đòi hỏi chuyển lên mô hình phát triển mới - mô hình phát triển bền vững cùng với thể chế tương ứng, dựa trên nền tảng kinh tế tri thức đã hình thành cuối thế kỷ XX. Thực tiễn còn cho thấy những nước chậm chạp trong chuyển đổi mô hình và thể chế có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Thứ hai: Đây là sự chuyển đổi của một hệ thống bao gồm kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và quan hệ quốc tế. Trong cuộc chuyển đổi này ở các nước đều gặp khó khăn do mâu thuẫn về lợi ích giữa những lực lượng mà lợi ích gắn liền với thể chế cũ với lực lượng có tầm nhìn mới vì lợi ích tương lai. Thứ ba: Theo quan niệm phát triển bền vững, đây là bước chuyển từ tăng trưởng số lượng lên nấc thang phát triển chất lượng của một hình thái kinh tế - xã hội mới. Chỉ có phát triển bền vững (đồng thuận giữa kinh tế, xã hội, môi trường) thì mới hình thành nền kinh tế mới, xã hội mới với nền văn hóa mới đậm tính chất nhân văn, mới hy vọng có "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của mọi người" như C. Mác và Ph.Ăngghen dự báo về xã hội tương lai. Thứ tư: Do bước chuyển biến này mà nhiều lý thuyết và phương pháp đã có trở nên không phù hợp, hoặc chỉ còn giá trị bộ phận nào đấy. Đồng thời những lý thuyết mới, phương pháp mới bắt đầu hình thành thúc đẩy phát triển bền vững. Nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế thị trường thì đây là bước chuyển có tính chất sống còn của cả nhân loại và mỗi quốc gia, dân tộc, khác với những lần chuyển đổi trước. Những cảnh báo bằng các công trình nghiên cứu như "Sự sụp đổ các nền kinh tế trong tương lai" (Steplen, Glen Strafly) và cảnh báo về thiên tai trên thế giới của Công ty tư vấn Anh, có 10 nước (trong đó có ViệtNam) chịu thảm hoạ thiên tai lớn nhất. 2. Thực tiễn trong nước thay đổi. Tầm nhìn mới và phương pháp mới có điểm xuất phát từ những đặc điểm sau: Thứ nhất: Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường vào mấy năm cuối thế kỷ X. Sau chiến tranh, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề của cuộc chiến tranh dài 30 năm, gây ra nhiều khó khăn trong khôi phục và phát triển kinh tế về nhiều mặt, nhất là cơ sở vật chất kỹ thuật, trong khi tình trạng nghèo đói phổ biến sau chiến tranh. Thứ hai: Khi hòa bình trở lại theo đường lối xây dựng thể chế kinh tế kế hoạch tập trung của Nhà nước, dựa trên chế độ công hữu và phân phối bình quân. Thể chế ấy ngăn cản tính chủ động sáng tạo của người dân với đặc điểm vùng miền khác nhau, nên tình trạng đói nghèo tăng lên, xã hội không ổn định. Từ thực tế của thể chế ấy buộc chúng ta thừa nhận kinh tế thị trường. Thứ ba: Việt Nam tiến hành công nghiệp hoá theo kinh nghiệm một số nước châu Á bằng khai thác tài nguyên và lao động rẻ để xuất khẩu, trong đó thể chế tổ chức quản lý kinh tế là sự kết hợp một cách cơ giới những đòi hỏi của kinh tế thị trường với một số bộ phận thể chế cũ (như kinh tế Nhà nước, chỉ đạo điều hành một cách hành chính). Từ các đặc điểm về thực tiễn trong nước, có thể nhận ra rằng: dù đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập, nhưng nước ta chưa hình thành được lý luận, tư duy và phương pháp phù hợp với thực tiễn. Nguy cơ tụt hậu bắt nguồn từ đó, đã phát sinh những khuyết tật trong tổ chức, trong cán bộ, được bộc lộ khi thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). II. Thực tiễn biến đổi nhanh cần có tầm nhìn mới, phương pháp mới Khi nhìn thẳng vào thực tiễn thế giới và trong nước đầu thế kỷ XXI, có thể thấy rằng: Con đường phát triển của ViệtNamcó những đặc điểm riêng trong xu thế chung của thời đại hiện nay, do quy luật phát triển của các nước đi sau phải đi theo con đường phát triển rút ngắn. Lịch sử phát triển kinh tế thị trường 300 năm qua cho thấy rằng: Thời gian phát triển từ một nước lạc hậu thành một nước hiện đại ngày càng rút ngắn. Nếu nước Anh mở đầu quá trình công nghiệp hoá phải trải qua hơn 100 năm mới trở thành một nước hiện đại, còn Hàn Quốc hiện đại hoá sau nước Anh gần 2 thế kỷ thì chỉ mất 30 năm, đã từ mốc GDP/người chỉ 50 USD đã đạt đến 5.000USD/người cuối thế kỷ XX. Sở dĩ phát triển rút ngắn của các nước đi sau trở thành quy luật là do: - Tốc độ phát triển khoa học và công nghệ ngày càng nhanh tạo ra lực lượng sản xuất ngày càng hiện đại, cho đến mức "khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp" như C.Mác dự báo. - Nguồn nhân lực cho phát triển ngày càng hiện đại hơn nhờ thành tựu khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. - Trình độ tổ chức và quản lý Doanh nghiệp và Nhà nước hướng vào phát triển lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động. Sức mạnh và hiệu quả tổ chức quản lý của Doanh nghiệp và của Nhà nước là thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu - triển khai, tổ chức đào tạo nhân lực với Doanh nghiệp, tạo ra sức mạnh tổng hợp của Doanh nghiệp và Quốc gia - yếu tố quyết định sức cạnh tranh. - Chính sách đối ngoại hướng thẳng vào không chỉ nguồn vốn đầu tư mà chủ yếu là biết lựa chọn những thành tựu tiên tiến của thế giới (về khoa học và công nghệ, về giáo dục và đào tạo, về tổ chức quản lý) và vận dụng vào phát triển. Chú ý sự khác nhau: thành tựu tiên tiến của thế giới không phải những cái ViệtNamchưa có, nếu không đất nước ngày càng tụt hậu. Cần có một tổ chức tư vấn trình độ cao mới biết lựa chọn đúng, chứ không phải những quyết định hành chính thuần tuý, càng không thể chạy theo tăng trưởng GDP bằng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bỏ qua khâu then chốt là lựa chọn trình độ công nghệ, tổ chức quản lý của dự án. Từ quy luật phát triển rút ngắn mà bồi dưỡng cho cán bộ một tầm nhìn mới (khác với tầm nhìn chỉ dựa vào những cái đã biết trong sách hay văn bản) và một phương pháp mới (khác với phương pháp hành chính quan liêu phổ biến hiện nay). 1. Tầm nhìn mới theo quy luật phát triển rút ngắn ở Việt Nam.Tầm nhìn mới là kết quả của tư duy biện chứng trước thực tiễn biến đổi nhanh, thể hiện ở: Một là, những phát triển sáng tạo mới mẻ thường phát sinh ở nơi giáp ranh giữa cái cũ và cái mới, tác động lên nhau. Nhà nghiên cứu nổi tiếng W.Heisenberg cho rằng: "Trong lịch sử tư duy loài người, những phát triển mang nhiều thành quả nhất thường xảy ra tại nơi mà 2 luồng tư tưởng khác biệt gặp nhau". Người biết lắng nghe sẽ thấy được những sáng tạo mới mẻ do sự vận động của mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới chính là người có tầm nhìn mới. Những người giáo điều sách vở hay sùng bái kinh nghiệm, những người hành chính quan liêu đều là những người không có tầm nhìn mới. Hai là, tầm nhìn mới hiện nay còn thể hiện ở nhận biết xu hướng liên kết, tìm gặp nhau, làm giàu cho nhau giữa các giá trị nhận thức, như: - Sự thâm nhập vào nhau giữa vật lý và triết học mở đầu xu hướng gắn kết giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội trong kinh tế và trong tổ chức, quản lý. - Sự trùng hợp về nhận thức luận của nền vật lý hiện đại với đạo học phương Đông, nhất là với Phật giáo (theo GS Nguyễn Tường Bách). - Sự lựa chọn giá trị và bổ sung cho nhau giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây, đưa đến hình thành nền văn hóa có bản sắc dân tộc và hiện đại, khác hẳn lối sống tiêu thụ phương Tây hay lối sống cũ, bảo thủ của phương Đông. Ba là, tầm nhìn mới của cán bộ được thể hiện ở nhận thức và vận dụng các mối quan hệ với nhau giữa chính trị với kinh tế; chính trị với văn hóa. Đây là bản chất của Nhà nước pháp quyền. Nếu chính trị tách rời với kinh tế phát triển bền vững và văn hóa, thì chính trị không thể hiện được bản chất Nhà nước pháp quyền hiện đại. 2. Phương pháp mới - Phương pháp hệ thống, phải đi liền với tầm nhìn mới thì mới đảm bảo có hiệu quả. Điều cần nhất trong tổ chức điều hành kinh tế thị trường là phương pháp hệ thống, trong đó có mấy vấn đề chủ yếu: Một là, về cấu trúc tổ chức - phải phù hợp trình độ phát triển trong từng giai đoạn của hệ thống kinh tế - xã hội. Cấu trúc hệ thống hợp lý thì mới vận động có hiệu quả, khác với cách tách - nhập tuỳ tiện duy ý chí, cách làm phong trào. Hai là, bảo đảm sự tương tác giữa các bộ phận của cấu trúc, của tổ chức. Tương tác (qua nhiều phương pháp) là cách để mỗi bộ phận trong hệ thống tìm ra giải pháp tối ưu và hoàn thiện về tổ chức, khác hẳn cách tổ chức một cách hành chính tuỳ tiện. Không có tương tác công khai minh bạch thì nguy cơ về tiêu cực, cục bộ, tham nhũng khó tránh khỏi. Ba là, người đứng đầu tổ chức là mắt xích quan trọng nhất của sự vận động, tương tác của cấu trúc hệ thống. Người đứng đầu có vai trò một nhạc trưởng của dàn nhạc, phải tạo ra "Sức mạnh hợp trội" của hệ thống, khác hẳn những người đứng đầu trong hệ thống hành chính quan liêu. Tóm lại, thực tiễn thời đại và dân tộc đang đặt ra đòi hỏi phải có những con người có tầm nhìn mới và phương pháp mới. Họ thực sự là những người có khả năng gánh vác nhiệm vụ nặng nề của đất nước đang phát triển đầu thế kỷ XXI./.