Vùng cao Điện Biên nỗ lực xây dựng chính quyền số

Thứ sáu - 01/12/2023 02:11
DIC - Là một trong ba trụ cột chính của chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, điều hành của UBND tỉnh, cấp uỷ, chính quyền các huyện vùng cao dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, song đã nỗ lực, đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng chính quyền số; qua đó góp phần tạo đà định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển.
Những chuyển biến tích cực
Có dịp tham dự các kỳ họp HĐND huyện Nậm Pồ vài năm trở lại đây, chúng tôi thấy được sự cải cách hành chính rất rõ nét của huyện qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp. Trên bàn của các đại biểu không còn từng chồng tài liệu in sao mà thay vào đó tham gia họp không giấy tờ, mỗi đại biểu sử dụng 01 máy tính bảng hoặc máy tính xách tay được cài đặt phần mềm, cung cấp tài khoản riêng để truy cập tài liệu phục vụ kỳ họp. Trên ứng dụng có đầy đủ tài liệu, chương trình, danh sách đại biểu, các thông báo, ý kiến, kiến nghị cử tri. Trong mỗi mục, tài liệu được sắp xếp khoa học để người dùng tiện theo dõi. Các thao tác của đại biểu được thực hiện ngay trên ứng dụng của máy tính. Cùng với đó, từ máy tính các đại biểu có thể tra cứu các thông tin khác để phục vụ cho quá trình phát biểu ý kiến hoặc chất vấn.

Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân huyện Nậm Pồ - Đây là lần đầu tiên Hội đồng Nhân dân huyện tổ chức kỳ họp không giấy. (Ảnh: Chảo Mắn On)

Ông Nguyễn Hữu Đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, cho biết, không riêng gì các kỳ họp HĐND mà các kỳ họp của Huyện uỷ, UBND của huyện cũng đã được cải cách, đổi mới. Việc đổi mới này không những mang lại nhiều tiện ích cho đại biểu tham dự mà còn giúp bộ phận văn phòng xử lý công việc nhanh, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; từ đó thực hiện tốt công tác tham mưu tổng hợp, điều phối, bảo đảm thông tin, phục vụ kịp thời, hiệu quả.
Thực hiện mục tiêu phát triển chính quyền số trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, huyện vùng cao Mường Chà đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp dựa trên lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của huyện đã được kết nối liên thông văn bản quốc gia, với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh đến các cơ quan chuyên môn của huyện và các xã, thị trấn. 100% cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn sử dụng chữ ký số. Đến tháng 10 năm 2023, UBND huyện Mường Chà, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã ban hành 11.280 văn bản đi trên môi trường mạng; trong đó, văn bản điện tử có ký số 11.063 văn bản, đạt 98%; 100% văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị được trao đổi, liên thông trên môi trường mạng (trừ văn bản mật). 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt trên 90%.
Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết, hiện nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của huyện đã kế nối liên thông 4 cấp từ Trung ương, tỉnh, huyện và các xã, thị trấn trên nền tảng sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng; số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng. Ngoài ra, hình thức họp trực tuyến đến từng thiết bị cá nhân cũng được tích cực triển khai; 100% thống kê, báo cáo được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ. Hệ thống chỉ đạo và điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do tỉnh giao đã được UBND huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hạn chế và khắc phục tình trạng chậm trễ, bỏ sót công việc. 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện và có phát sinh hồ sơ được cung cấp toàn trình trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 55% hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3-4 được xử lý trực tuyến…
Không chỉ các huyện vùng cao Mường Chà, Nậm Pồ mà đối với các huyện như Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé… cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân... Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp trên cơ sở hợp nhất giữa cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, có đầy đủ tính năng theo quy định. Riêng tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đối với thủ tục hành chính của cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện 49%, cấp xã 38%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, giúp tổ chức, người dân, doanh nghiệp gửi các phản ánh, kiến nghị các vấn đề bất cập trong đời sống, xã hội cho các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên, từ đó các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xử lý và trả lời các phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng App ứng dụng Điện Biên Smart sử dụng trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể gửi thông tin, phản ánh qua Cổng thông tin tương tác http://phananh.dienbien.gov.vn

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng ĐiệnBiên Smart. (Ảnh: Thành Đạt)
Hướng tới xây dựng chính quyền số trong xu thế hội nhập
Dù đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, đánh giá trên nhiều phương diện, nhìn nhận một cách khách quan, việc thực hiện lộ trình chuyển đổi số, chính quyền số ở các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều khó khăn, như: Hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; nhân lực có trình độ về công nghệ thông tin còn ít nên việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân còn vướng mắc…
Khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, hiện nay, cấp uỷ, chính quyền các cấp đang tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, hình thành văn hoá số, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình chuyển đổi số kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; huy động tối đa nguồn lực ưu tiên chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin chọn gói do các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp, thu hút nguồn nhân lực tham gia xây dựng, phát triển Chính phủ số trong bộ máy Nhà nước…
Để làm rõ hơn những kết quả đạt được; đồng thời làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số của tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học, nghiên cứu, đánh giá việc tổ chức thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến hướng đến chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Qua nghiên cứu dựa trên các chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tỉnh Điện Biên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công đã đánh giá cao những kết quả tích cực mà Điện Biên đạt được. Đây sẽ là cơ sở để Đoàn công tác đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành hướng đến điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Cũng tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chiến kiến nghị tỉnh Điện Biên cần đầu tư trang bị thêm máy móc, thiết bị cho bộ phận một cửa; đối với vùng sâu vùng xa nên tổ chức một cửa di động; bố trí thêm kinh phí cho tổ chuyển đổi số cộng đồng thực hiện nhiệm vụ…/.

Tác giả: Bài: Quang Long

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây