Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh đã và đang được nâng cao. Mức độ phổ cập điện thoại thông minh, internet và sử dụng dữ liệu trong Nhân dân ngày càng tăng. Hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Ðảng, Nhà nước các cấp và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của Nhân dân, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tiến trình chuyển đổi số.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 560.000 thuê bao điện thoại di động (đạt 87 thuê bao/100 dân); sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và gần 95% khu vực có dân cư sinh sống; có 510 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.350 km, kết nối đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,5% cấp thôn/bản; 129/129 xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm. Tổng số thuê bao Internet băng rộng cố định là 67.000 thuê bao (đạt tỷ lệ 48% hộ gia đình có kết nối Internet). Toàn tỉnh có 180 điểm phục vụ (04 bưu cục cấp I, 11 bưu cục cấp II, 48 bưu cục cấp III, 01 bưu cục KT1, 01 bưu cục khách hàng lớn); 115/115 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó: 74/115 (tỷ lệ 64%) điểm bưu điện văn hoá đa dịch vụ, 79/115 (tỷ lệ 69%) điểm bưu điện văn hoá xã xây dựng kiên cố, 67/115 (tỷ lệ 58%) điểm kết nối internet công cộng. Bán kính phục vụ bình quân đạt 4,12 km/điểm; số dân phục vụ bình quân đạt 3.599 người/điểm. Mạng vận chuyển bưu chính gồm 96 tuyến đường thư (có 07 tuyến đường thư cấp I, 11 tuyến cấp II, 78 tuyến cấp III). 100% xã có điểm phục vụ bưu chính đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; 98 xã có báo đến trong ngày.
Trạm phát sóng thông tin di động được lắp đặt tại xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân (Ảnh: Trọng Chiến)
Hạ tầng số các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số của tỉnh: Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong cơ quan Nhà nước các cấp đạt 100%. 100% cơ quan kết nối mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); trên 80% số dịch vụ dữ liệu có trên NDXP được tỉnh đưa vào sử dụng chính thức. Triển khai nền tảng công nghệ thành phố thông minh (IOC), bao gồm: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; Thiết bị và phần mềm họp không giấy tờ; Phần mềm phản ánh hiện trường (Smart DienBien); Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng; Phần mềm quản lý Camera cho phép quản lý ghi hình, phát trực tiếp đồng thời nhiều Camera, xem lại đồng thời video đã lưu của nhiều Camera (tích hợp được 68 camera an ninh của 05 huyện (Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé, Điện Biên Đông).
Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh miền núi, hạ tầng cho phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Trang thiết bị công nghệ thông tin của nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là ở cấp xã còn thiếu, hư hỏng, không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; một số khu vực không có điện lưới quốc gia, chưa có dịch vụ viễn thông, Internet (15 thôn/bản chưa được cung cấp dịch vụ viễn thông; 75 thôn/bản chưa được phủ sóng mạng thông tin di động mạng 3G/4G; 165 thôn/bản chưa được cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cáp quang; nhiều trạm BTS tại các vùng chưa có điện lưới phải hoạt động bằng điện máy nổ (Còn 09 vị trí trạm BTS phải sử dụng điện máy nổ toàn thời gian).
Đồng chí Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở làm việc với các Doanh nghiêp Bưu chính, Viễn thông trên địa bàn tỉnh thảo luận giải pháp đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số (Ảnh: Kiều Trang)
Ðể tiếp tục phát triển hạ tầng số đồng bộ (Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập, bền vững, an toàn; hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, các hạ tần công nghệ AI, blockchain, IoT, BigData…) nhằm hoàn thành các mục tiêu đến năm 2025, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh về tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt trên 80%; tỷ lệ cấp thôn/bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt trên 60%; Trung tâm dữ liệu của tỉnh được xây dựng theo công nghệ điện toán đám mây, tỷ lệ hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 100%; tỷ lệ người dân có tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đạt 87%; triển khai công nghệ AI, blockchain, IoT hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số tỉnh, phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách, thúc đẩy, ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet; tập trung thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế, nghiên cứu phát triển hạ tầng số an toàn, hiện đại đáp ứng nhu cầu của kinh tế số, xã hội số theo các quy định của pháp luật. Chỉ đạo tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông để tăng hiệu quả đầu tư; phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến (thụ động, tích cực), đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, và các nền tảng dùng chung của tỉnh như: Trang thiết bị công nghệ số; các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh, báo cáo, đảm bảo an toàn thông tin mạng, nền tảng đô thị thông minh ... đảm bảo các điều kiện cần thiết sẵn sàng thực hiện kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu để tạo giá trị mới. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình. Thực hiện cáp quang hoá toàn tỉnh, đẩy nhanh việc phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet, trong đó tập trung phát triển phổ cập dịch vụ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý triệt để rác viễn thông (SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo, tin nhắn rác), chuẩn hoá thông tin thuê bao nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục đích phát triển thị trường lành mạnh và bền vững...