Tăng cường truyền thông chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội

Thứ sáu - 22/12/2023 03:17
DIC - Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc chuyển tải thông điệp, cơ chế, chính sách của Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp đến người dân, để người dân hiểu rõ, tham gia, hợp tác, đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách vì lợi ích của nhà nước và của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã từng bước coi trọng công tác truyền thông chính sách và đạt được những kết quả nhất định.
Xác định truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao về tư tưởng và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước; tỉnh Điện Biên đã chủ động ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện công tác truyền thông chính sách như: Tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác theo Quyết định 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết, Chỉ thị mới của Đảng, Chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, doanh nghiệp và đến mọi tầng lớp Nhân dân các dân tộc để hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Cùng với đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để các cơ quan, báo chí làm "cầu nối" thông tin tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các chủ trương chính sách quan trọng của tỉnh để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động.
Công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí được thực hiện kịp thời, nhất là những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp; từ đó kịp thời điều tiết thông tin theo hướng tăng cường các thông tin tích cực tạo niềm tin, ổn định dư luận xã hội. Đặc biệt là định hướng, cung cấp thông tin về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; Phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chủ trương đền bù, giải phóng mặt để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng thông tin sai lệch, gây tâm lý bất an trong Nhân dân.
Hoạt động truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên được triển khai qua nhiều kênh như: Qua hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, Đài, các Trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ thống thông tin ở cơ sở, mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông); qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua xuất bản phẩm của các cơ quan, đơn vị... Trong đó, hệ thống các Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện vừa làm chức năng cung cấp thông tin nguồn, vừa đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật để lấy ý kiến của Nhân dân; các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, tạo sự quan tâm tham gia của Nhân dân đối với các quy trình soạn thảo, quyết định chính sách.  Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo được quyền tham gia của người dân về những quyết sách quan trọng của đất nước, đồng thời nâng cao được chất lượng, tính khả thi của văn bản khi ban hành. Bên cạnh đó, đăng tải cung cấp đầy đủ thông tin của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng theo quy định.
Hiện tỉnh Điện Biên có 05 đồng chí Báo cáo viên Trung ương; 44 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh; 299 đồng chí báo cáo viên cấp huyện; 3.259 tuyên truyền viên cơ sở; 03 cơ quan chí tỉnh; 08 cơ quan báo chí Trung ương đặt Văn phòng đại diện, cử Phóng viên thường trú; 15 cơ quan có xuất bản bản tin, đặc san định kỳ và hơn 100 Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; 111/129 Đài Truyền thanh cấp xã (trong đó có 48 Đài Truyền thanh ứng dụng CNTT-viễn thông) với hơn 700 cụm loa tại các cụm dân cư, thôn, bản; thường xuyên cập nhật các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, tỉnh huyện, xã để tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp Nhân dân. 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tài khoản facebook, zalo để phục vụ công tác tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị hoặc các vấn đề cấp bách, sự cố ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân (như dịch bệnh COVID-19, lũ, sạt lở đất...). Có thể nói, hệ thống phương tiện, đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu tới người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có đội ngũ làm công tác truyền thông; việc triển khai công tác truyền thông chủ yếu thực hiện cách truyền thông qua báo, đài, bản tin, tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua các hội nghị, hội thảo. Cơ quan giao làm công tác truyền thông chính sách của tỉnh chủ yếu giao cho Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo tỉnh, các cơ quan báo chí  hoặc đơn vị phụ trách lĩnh vực nào giao cho đơn vị đấy thực hiện. Công tác truyền thông chính sách đôi lúc còn chưa bài bản, chưa thực sự mang lại hiệu quả, việc thực hiện truyền thông bằng tiếng dân tộc còn hạn chế.
         Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Máy móc, trang thiết bị tại một số Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và Đài Truyền thanh cấp xã được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp, thiếu các thiết bị phục vụ tác nghiệp, bất cập so với cường độ hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền. Trình độ, năng lực của đội ngũ nhân lực tại các Đài Truyền thanh cấp xã còn hạn chế, cán bộ phụ trách đài chủ yếu là kiêm nhiệm...
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bố trí đội ngũ cán bộ, nguồn kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách; phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp.  Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai Đề án 407 trên địa bàn tỉnh; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng do Bộ, ngành, địa phương tổ chức; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản Quy phạm pháp luật với các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.../.

 

Tác giả: Bài : Hà Chi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây