TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ TRONG SẢN XUẤT VÀ TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG

Thứ sáu - 22/12/2023 03:23
DIC - Tại tỉnh Điện Biên, thời gian qua, công nghệ số đã được nhiều hợp tác xã ứng dụng nhằm góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, công nghệ số cũng tham gia vào quá trình phát triển thị trường thông qua việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Tiếp cận công nghệ số, hợp tác xã sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên đã chú trọng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm là các loại bún, mì từ gạo lứt thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.Theo chị Phan Thị Hạnh Dung, Giám đốc HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên, sau khi đưa sản phẩm lên mạng, ngoài việc được tiếp cận một cách dễ dàng, khách hàng có thể quan sát cách chế biến, đóng gói sản phẩm từ đó tạo sự yên tâm, nhờ đó thị trường được phủ rộng hơn. Qua thống kê, sau khi đưa nông sản lên các nền tảng số, đơn vị đã có cơ hội tiếp cận với khoảng 5-10 khách hàng tiềm năng/ngày. Đến thời điểm này, hơn 30% đơn hàng của HTX được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số với chủ yếu là thị trường ngoài tỉnh như: Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

Tiểu thương tại chợ đêm huyện Tủa Chùa livestream bán hàng. (Ảnh: Như Quỳnh)

 

Không chỉ riêng HTX sản xuất chế biến kinh doanh nông sản Điện Biên mà hiện nay, ngày càng có nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng bằng hình thức livestream, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá; thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, zalo, tiktok... Điều này không những giúp khách hàng cập nhật thông tin về hợp tác xã nhanh hơn mà còn có thể dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác. Hơn nữa, qua đây hợp tác xã cũng tiếp cận thêm nguồn khách hàng mới, khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX nhanh chóng ứng dụng và tham gia vào bán hàng trực tuyến vẫn còn khá nhiều mô hình đang chật vật trong việc đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử hoặc không biết đến những mô hình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hay sàn thường mại điện tử.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm KHCN và Kinh tế số - Viện KHCN và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam, thông tin: “Từ nay đến cuối năm 2023 Trung tâm sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Điện Biên mở khoảng 2-3 lớp tập huấn để hướng dẫn cho các hợp tác xã cách thức bán hàng qua các nền tảng online, nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý HTX về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch... Từ đó, giúp HTX thay đổi thói quen kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại và hiệu quả hơn. Ngoài việc được trực tiếp thực hành ngay trên lớp thì Trung tâm sẽ phối hợp, hỗ trợ để các thành viên tham gia lớp tập huấn được đến tham quan đơn vị có khả năng bán hàng, quảng bá sản phẩm tốt trên nền tảng số.
Có thể khẳng định ứng dụng chuyển đổi số, bắt nhịp với thị trường số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc. Điều đó được chứng minh bằng hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hạn chế được chi phí từ các bước trung gian. Đồng thời, tạo cơ hội để các HTX tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh địa phương đang tích cực xây dựng nền kinh tế số./.

Tác giả: Bài : Phương Dung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây