Dịch vụ du lịch tự phát
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác và trải nghiệm các giá trị tổng hợp từ thành quả của Ngành Nông nghiệp. Ðây là loại hình du lịch mới đang được nhiều tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện. Ở tỉnh ta, thời gian gần đây đã xuất hiện một số mô hình dịch vụ du lịch nông nghiệp phục vụ du khách trong và người tỉnh. Tuy nhiên, 100% các mô hình đều là hoạt động tự phát, “sớm nở, chóng tàn” hoặc hoạt động rất cầm chừng, chưa tương xứng với tiềm năng.
Với diện tích vườn khoảng 4.000m2, năm 2021, chị Bùi Thị Quỳnh, thôn Thanh Trường, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) phát triển mô hình trồng Dâu tây. Khi vườn dâu cho thu hoạch, thay vì thực hiện bán hàng theo hình thức truyền thống, chị Quỳnh đã mở dịch vụ cho khách hàng vào vườn trải nghiệm hái Dâu tây. Chị Bùi Thị Quỳnh cho biết: Khi thu hoạch dâu, tôi đăng bán sản phẩm trên các trang mạng xã hội, nhiều khách hàng đăng ký mua và gợi ý đến tận vườn trải nghiệm hái dâu. Chiều lòng khách hàng, tôi mở cửa cho khách hàng vào tự tay lựa chọn và hái Dâu tây. Khách hàng không chỉ hái dâu mà còn chụp ảnh, check in tại vườn sau đó đăng lên các trang mạng xã hội. Ngày cao điểm, vườn Dâu tây đón 50 - 60 lượt khách. Thời gian đầu, hình thức trải nghiệm mới lạ này đã thu hút lượng khách rất đông, vừa giúp tôi bán được hàng vừa giúp quảng bá vườn Dâu tây đến nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, sau 2 vụ Dâu tây, đến nay tôi đã không duy trì và phát triển mô hình mà chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có múi như: Mít thái, bưởi da xanh.
Ðến với xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) ngoài tham quan, khám phá những thắng cảnh thiên nhiên; phong tục, truyền thống văn hóa độc đáo của người Mông Tủa Chùa, du khách còn có thể tham gia trải nghiệm hái chè shan tuyết cổ thụ. Cuối năm 2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 100 cây chè shan tuyết cổ thụ có đường kính lớn nhất ở Sín Chải là cây di sản Việt Nam. Chính vì vậy, Sín Chải có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp. Ðến đây, du khách có thể trải nghiệm hái chè cổ thụ, tự tay sao chè và thưởng thức những chén chè thơm ngon giữa vùng thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Thực tế, vài năm gần đây, rừng chè cổ thụ Sín Chải đã đón khách du lịch đến tham quan, khám phá rừng chè cổ thụ song chỉ là hoạt động tự phát của các hộ gia đình và những lượt khách đến đây cũng nhỏ, lẻ, thời gian lưu trú tại địa bàn rất ngắn và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương là không đáng kể.
Ông Hạng A Chư, thôn Hấu Chua là chủ hộ có nhiều cây chè cổ thụ nhất xã Sín Chải với khoảng 500 cây, cũng là hộ đầu tiên làm du lịch nông nghiệp gắn với rừng chè cổ thụ. Ông Hạng A Chư cho biết: Thời gian gần đây, có một số bạn trẻ tìm đến nhà tôi ngỏ ý tham quan vườn chè, trải nghiệm hái chè cổ thụ. Nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, đồng thời có thể tăng thu nhập cho gia đình, tôi đã nhiệt tình hướng dẫn, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, Sín Chải nói chung và thôn Hấu Chua nói riêng có nhiều khó khăn đặc thù như: Giao thông cách trở, thiếu cơ sở lưu trú, hạ tầng viễn thông, internet chưa phát triển và dịch vụ du lịch còn rất sơ sài. Do đó, các bạn trẻ đến đây chỉ tham quan chốc lát rồi lại di chuyển đi chỗ khác.
Ðối với du lịch nông nghiệp, Tủa Chùa có tiềm năng khai thác thành 2 tuyến: Tuyến các xã phía Bắc trải nghiệm, khám phá tại cánh đồng Chiếu Tính (xã Sính Phình), các làng nghề rèn truyền thống dân tộc Mông ở xã Tả Phìn và rừng chè cổ thụ Sín Chải; tuyến các xã phía Nam tham quan lòng hồ sông Ðà rộng lớn được ví như “Vịnh Hạ Long” của khu vực Tây Bắc, kết hợp trải nghiệm các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản trên lòng hồ. Tuy nhiên, vì nhiều khó khăn nên đến nay, Tủa Chùa chưa thể biến tiềm năng thành các sản phẩm du lịch.
Cần sớm khai thác tiềm năng, lợi thế
Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Ðiện Biên rất lớn, đa dạng. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện nay toàn tỉnh có 44 nghề và làng nghề truyền thống, chủ yếu là dệt thổ cẩm, mây tre đan; sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh về sản xuất nông nghiệp như: Lúa gạo (huyện Ðiện Biên), cà phê (Mường Ảng), chè (Tủa Chùa), cây ăn quả (Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo). Toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 52 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên có lợi thế về đất đai, nhiều cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng phong phú, cảnh sắc hoang sơ, kì vĩ. Ðây là những điều kiện rất thuận lợi để tỉnh ta phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh vẫn rất hạn chế, chủ yếu là các mô hình mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Toàn tỉnh chưa xây dựng, tổ chức được một mô hình du lịch nông nghiệp mang tính chuyên nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế và thành quả của ngành Nông nghiệp.
Đơn cử như, cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng bằng phẳng và rộng lớn rất khu vực Tây Bắc, nằm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên có điều kiện giao thông thuận lợi. Ðồng thời, người nông dân ở đây có trình độ thâm canh lúa gạo sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, có thương hiệu khắp cả nước. Cánh đồng Mường Thanh hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch nông nghiệp. Ý tưởng xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp tại cánh đồng Mường Thanh đã từng được lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch bàn bạc tại nhiều cuộc họp về phát triển du lịch của tỉnh nhà. Tuy nhiên, đến nay các mô hình vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng.
Du khách tham quan, trải nghiệm thực tế tại cánh đồng Mường Thanh. (Ảnh: Quỳnh Lâm)
Tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Ðiện Biên trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Với tiềm năng và lợi thế hiện có, du lịch nông nghiệp rất cần được quan tâm đầu tư để trở thành một trong những sản phẩm du lịch quan trọng. Muốn vậy, trước tiên cần tổ chức rà soát, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng để liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành Du lịch và Nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đào tạo, tập huấn nhân lực cho du lịch nông nghiệp; tổ chức tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại một số tỉnh đã thành công. Ðẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết vùng nhằm đa dạng hoá sản phẩm phục vụ du lịch gắn với xây dựng vùng nguyên liệu sạch để phục vụ khách hàng. Cùng với đó, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh Ðiện Biên./.