Phiên tòa trực tuyến - Xu hướng tất yếu

Thứ hai - 06/06/2022 03:22
DIC - Việc Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp của tỉnh thực hiện phiên tòa trực tuyến đang mang lại nhiều lợi ích, giúp ngành bảo đảm công tác xét xử và phòng chống dịch COVID-19. Phiên tòa trực tuyến được tổ chức thực hiện từ cuối tháng 2/2022 và bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hội đồng xét xử phiên tòa trực tuyến.
Ngày 28/2/2022, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên. Đây là phiên tòa xét xử phúc thẩm như các phiên tòa xét xử khác, vẫn đầy đủ các thành phần tham gia. Chỉ khác là phiên tòa diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu gồm: Điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh; điểm cầu thành phần tại TAND cấp huyện. Theo đó, bị cáo bị tạm giam sẽ không phải đến địa điểm xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh, mà tham gia tại trụ sở TAND cấp huyện qua thiết bị kết nối trực tuyến. Việc xét xử vẫn tuân thủ các thủ tục tố tụng với đầy đủ các thành phần tham gia phiên toà. Để đảm bảo việc triển khai được thuận lợi, TAND tỉnh đã tổ chức rà soát các thiết bị đang có tại các điểm cầu thành phần dự kiến tiến hành xét xử trực tuyến, qua đó đánh giá tình hình thực tế về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến. Phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên đã diễn ra rất thành công và được đánh giá cao cả về công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện, đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống TAND hai cấp tỉnh Điện Biên.
Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Thông tư liên tịch số 05/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức những phiên tòa trực tuyến. Tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội nhấn mạnh, việc xét xử trực tuyến sẽ giảm thiểu việc đi lại cho người tham gia tố tụng, có thể tham gia tố tụng tại bất cứ địa điểm nào được tòa án chấp nhận. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời. Góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Toà án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Thẩm phán trung cấp, Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho biết: "Thời gian qua, nhiều phiên tòa phải hoãn nhiều lần do dịch COVID-19, phiên tòa trực tuyến là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; giúp cho công tác xét xử bảo đảm tiến độ, yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tòa án theo quy định. Việc thực hiện phiên tòa trực tuyến vẫn bảo đảm theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng tuân thủ đúng, đủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa. Tuy nhiên hiện nay, do cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ. TAND tỉnh tận dụng những hệ thống giám sát phiên tòa đã được lắp sẵn để thực hiện. Đây được xem là một nỗ lực rất lớn của TAND tỉnh Điện Biên khi tổ chức phiên tòa trực tuyến với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và con người".
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, từ khi triển khai đến nay, TAND tỉnh đã tổ chức được 2 phiên tòa trực tuyến, các vụ án được chọn đưa ra xét xử theo hình thức này là những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một việc làm cần thiết, phù hợp khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và là bước đệm cho việc xây dựng tòa án điện tử trong tương lai.

Tác giả: Bài, ảnh: Lan Phương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây