Hằng ngày trên mỗi tuyến đường, con phố chúng ta dễ dàng nhìn thấy đội ngũ shipper (người giao hàng) trong trang phục áo xanh, áo vàng của các đơn vị: Giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm, nhân viên bưu điện… đi giao hàng khắp ngõ ngách đến từng nhà cho người mua. Nhất là khi mạng xã hội phát triển, bất kỳ người nào cũng có thể tận dụng để bán hàng trực tuyến và trực tiếp giao hàng. Vì thế các “thượng đế” chỉ cần ngồi một chỗ lướt điện thoại là có thể tìm được món đồ mình cần. Có lẽ trong mỗi chúng ta không ít người đã hơn một lần mua hàng trực tuyến bởi sự tiện lợi, cách quảng bá sản phẩm bắt mắt của các chủ cửa hàng, song cũng còn tiềm ẩn không ít rủi ro với phương thức giao dịch này.
Chị Nguyễn Hoa, một nhân viên văn phòng ở TP. Điện Biên Phủ thường mua hàng trên mạng, qua kênh Sendo, Lazada... hoặc mua các loại quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm từ các trang bán hàng cá nhân trên mạng facebook, zalo. Chị chia sẻ: Nhiều sản phẩm mua trực tuyến mình khá ưng ý, chất lượng sản phẩm bền, đẹp như người bán giới thiệu, nhưng cũng không ít lần thất vọng vì hàng không giống như quảng cáo, sản phẩm mua về không dùng được. Dù nhiều lần mất niềm tin vào hình thức mua hàng trực tuyến, tự hứa sẽ không mua hàng kiểu này nữa, thế nhưng mỗi lần online thấy các sản phẩn quảng cáo đẹp, bắt mắt nên lại phá vỡ nguyên tắc bản thân, “kích chuột” mua luôn - chị Hoa chia sẻ.
Nhân viên đơn vị vận chuyển hàng trực tuyến kiểm hàng trước khi giao cho khách.
Còn chị Hoàng Thị Hường, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ thì chia sẻ: Chị đặt mua 5 khăn tắm trên facebook cá nhân của một người chuyên bán hàng gia dụng. Nhìn trên ảnh quảng cáo thấy mẫu mã đẹp, chủ bán giới thiệu khăn được làm từ chất liệu cotton tự nhiên, mềm mịn; sợi bông dài, mảnh nên thấm hút nước nhanh vượt trội. Ấy vậy mà khi hàng giao tới, dù được gói chuyên nghiệp, nguyên kiện song chất liệu, kích thước khăn hoàn toàn không giống như hình ảnh và mô tả của người bán. Không thể dùng làm khăn tắm, chị Hường lấy ra làm khăn lau nhà, nhưng lau nhà cũng không sạch vì chất khăn là sợi ni lon, không thấm nước…
Hiện nay, không chỉ các mặt hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, sản phẩm là thực phẩm, mỹ phẩm, thậm chí là dược phẩm, bộ kit xét nghiệm COVD-19 cũng được rao bán trên các trang mạng xã hội phục vụ người mua. Thời đại của công nghệ, mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển, không chỉ dừng lại ở kênh cung cấp hàng trực tuyến có thương hiệu lớn mà đã nở rộ thành trào lưu trong cộng đồng mạng hiện nay. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hơn 60% dân số Việt Nam có tài khoản facebook và một phần không nhỏ trong số họ tận dụng thời gian rảnh rỗi, số lượng bạn bè và người theo dõi đông đảo trên facebook để bán hàng, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm một cách dễ dàng mà không cần tốn kinh phí để thuê mặt bằng, thuê nhân viên hay mất các chi phí khác. Thế nhưng, mua sắm trực tuyến đôi khi chưa mang lại niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhiều người nhìn dịch vụ này với cặp mắt nghi ngại, cảnh giác và không yên tâm về chất lượng sản phẩm bởi trong số họ, có không ít người từng ôm “quả đắng” vì sản phẩm mua qua mạng.
Thực tế, bán hàng trực tuyến là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, phù hợp với cuộc sống bận rộn ngày nay, đặc biệt hạn chế người tiêu dùng đến chỗ đông người, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua hàng trực tuyến, trước khi đưa ra quyết định mua hàng cần tìm hiểu về kỹ về sản phẩm, thỏa thuận rõ ràng với người bán nếu sản phẩm bị lỗi, chất lượng không như quảng bá sẽ hoàn trả; nên lựa chọn những cửa hàng có uy tín, thương hiệu rõ ràng để tránh sự phiền phức.