Du khách xếp hàng chờ tham quan bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn. Một cuộc chiến cam go, khốc liệt đã diễn ra giữa một bên là quân, dân của một đất nước chiến đấu cho chính nghĩa, cho độc lập tự do và một bên là đội quân thực dân xâm lược. Và sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn” chiến thắng đã thuộc về đội quân chính nghĩa nhưng để có được chiến thắng ấy bao người con ưu tú đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường…
68 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa. Chiến trường xưa nay chỉ còn là những di tích nằm trầm mặc với thời gian. Nhưng du khách đến với Điện Biên hôm nay vẫn được nghe những câu chuyện lịch sử, những chiến công oanh liệt của những ngày tháng hào hùng năm xưa. Chị Trịnh Hồng Nhung, Ban quản lý di tích tỉnh Điện Biên giới thiệu cho du khách câu chuyện về chiếc xe tăng của thực dân Pháp bị bắn cháy trên đồi A1: “Khi quân Pháp điên cuồng phản kích lên đồi A1, Đờ cát đã cho 2 chiếc xe tăng phản kích lên cứ điểm này. Và 1 chiếc đã bị các chiến sĩ của 2 trung đoàn 174, 102, Đại đoàn 308 bắn cháy vào rạng sáng ngày 1/4/1954. Nằm ngay bên cạnh chiếc xe tăng là ngôi mộ tập thể của 4 chiến sĩ trong khi tiêu diệt xe tăng và các đợt phản kích của địch đã anh dũng hi sinh. Có một điều đặc biệt ngôi mộ tập thể này và hàng nghìn ngôi mộ khác ở các nghĩa trang liệt sĩ là vẫn chưa thể khắc được tên, tuổi, quê quán của các chiến sĩ. Đó cũng chính là niềm trăn trở của nhiều thế hệ, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và mỗi du khách khi đến với Điện Biên xin hãy dành một lời cầu nguyện để cầu mong cho linh hồn các chiến sĩ yên giấc ngàn thu cùng non sông, đất nước”.
Trong dòng người về với mảnh đất Điện Biên lịch sử hôm nay có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều người là đồng đội, là thân nhân, con cháu của những liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Và cũng không ít người mới lần đầu đến với Điện Biên, đến với các di tích của chiến trường xưa. Mỗi điểm di tích như Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Mường Phăng, đồi A1, hầm Đờ - cát - tơ - ri, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một chứng tích với rất nhiều câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng, oanh liệt. Mỗi người một cảm nhận, một tâm trạng nhưng đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hi sinh xương máu để làm nên chiến thắng. Ông Nguyễn Vũ Quế, một cựu chiến binh đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi đi Điện Biên rất lâu rồi, nhưng lần này mới thực hiện được. Vì chính các anh là đại đội trưởng, chính trị viên của tôi đều ở Điện Biên hết, có anh đi đến Quảng Nam - Đà Nẵng là hi sinh thế nên lần đầu tiên đến đây mình mới thực sự cảm nhận được sự hi sinh của các anh, các bác nên rất là xúc động. Mình là cựu chiến binh cao tuôi rồi nhưng vẫn phải phấn đấu để cống hiến cho nhân dân, đất nước. Và đến đây cũng học được rất nhiều bài học cũng như trăn trở để làm sao phát huy được truyền thống ấy cho thế hệ trẻ”.
Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi đến với Điện Biên. Vậy nhưng xứ “Mường Then hay còn gọi là Mường Trời” còn rất nhiều thú vị chờ đợi du khách khám phá, trải nghiệm. Đó là những danh lam, thắng cảnh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng; đó là những nét truyền thống văn hóa đặc sắc, độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19, các nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch cộng đồng, bản văn hóa đã trở lại với nhiều hoạt động, nhiều sản phẩm du lịch để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách thập phương. Đơn cử như Khu du lịch sinh thái Him Lam, đây là một điểm tham quan, nghỉ dưỡng được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Điện Biên. Khu du lịch có quy mô trên 80 phòng nghỉ cùng không gian rộng rãi và điểm nhấn là nhà sàn gỗ lim lớn nhất Việt Nam. Ngay từ giữ tháng 3/2022, khi lượng du khách bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, Khu du lịch đã chú trọng tu sửa, chỉnh trang cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan. Ngoài ra, các chương trình vui chơi giải trí, trưng bày sản phẩm, giao lưu văn hóa văn nghệ cũng được đơn vị phối hợp tổ chức để du khách có được những trải nghiệm thú vị nhất khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong hơn hai năm qua, dịch COVID - 19 gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại tới lĩnh vực du lịch. Bởi vậy, khi Lễ hội hoa Ban 2022 được tổ chức và du lịch bắt đầu phục hồi, các khu điểm du lịch, bản văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng hối hả bắt nhịp trở lại để đón đầu nhu cầu của du khách. Trong đó, tập trung vào tôn tạo, xây dựng cảnh quan thiên nhiên sạch đẹp, gần gũi và mang đậm đặc trưng truyền thống dân tộc. Cùng với đó, các bản văn hóa du lịch cộng đồng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đến nghỉ dưỡng. Từ đó, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên hấp dẫn, an toàn đến với khách du lịch trong nước và quốc tế. Anh Đào Văn Trinh một du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Đến Bản văn hoá Phiêng Lơi, tôi thấy đây là một bản hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Ở đây có một không gian rất là đẹp. Thời tiết, khí hậu, đồng bào đón tiếp chúng tôi rất là tuyệt vời. Về với bản, chúng tôi thấy bản làng nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. Có lẽ đây không phải là lần cuối cùng đến Điện Biên của tôi, thời gian tới chắc chắn tôi sẽ quay lại nhiều lần nữa để được khám phá và trải nghiệm thêm bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây”.
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại hầm Đờ - cát - tơ - ri.
Gây ấn tượng với du khách, níu chân du khách ở lại lâu hơn, tìm hiểu, khám phá trải nghiệm nhiều hơn là điều bất cứ khu, điểm du lịch nào đều hướng đến. Và Điện Biên với thế mạnh quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ cùng với nhiều công trình quy mô, ý nghĩa đang được đầu tư xây dựng thêm chắc chắn sẽ là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Vậy nhưng, khai thác, phát huy và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa; nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách mới là điểm nhấn để du lịch Điện Biên phát triển bền vững. Để từ đó, du khách đến với Điện Biên sẽ ở lại lâu hơn, đi xa hơn và trải nghiệm nhiều hơn ở cả các điểm du lịch thuộc các địa bàn khác như huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông.v.v.