Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số

Thứ năm - 19/05/2022 22:49
DIC - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kinh tế số và xã hội số là phạm trù mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Tại thời điểm trình ban hành chiến lược, trên thế giới mới có khoảng 14 quốc gia (chiếm 7%) ban hành Chiến lược quốc gia về việc này. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Do vậy, cùng với chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số được Chính phủ ban hành đã hoàn thiện tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số theo 03 trụ cột tại Việt Nam; bao gồm: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược nêu ra 07 ngành, lĩnh vực trọng tâm, 09 yếu tố nền tảng, 17 nhóm nhiệm vụ và 07 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo đó, phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam như: Phương tiện số, kết nối số, danh tính số, tài khoản số, chữ ký số, địa chỉ số, kỹ năng số, văn hoá số… Đây là tinh thần xuyên suốt của Chiến lược, đồng thời điểm đột phá cốt lõi của chiến lược là phổ cập nhanh các nền tảng số Quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của người dân, doanh nghiệp Việt Nam. Các giải pháp đặc thù của Việt Nam khi thực hiện chiến lược kinh tế số và xã hội số:

Thứ nhất, tận dụng và phát triển mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số đông đảo hiện có trên 60.000 doanh nghiệp, có những tập đoàn công nghệ lớn, thuộc cả khối doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân, hàng đầu trong khu vực, các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ sáng tạo. Doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển các nền tảng số Make in Việt Nam, ở ngay bên cạnh người dùng Việt Nam.

Thứ hai, tổ chức mạng lưới công nghệ số cộng đồng, thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng để đưa các nền tảng số tới với người dân, hướng dẫn người dân và hỗ trợ người dân nhanh nhất có thể. Tổ công nghệ số cộng đồng có thể do Đoàn Thanh niên và các doanh nghiệp công nghệ số làm nòng cốt, tổ chức theo nhóm ít người để tiếp cận tới từng người dân, từng hộ gia đình.

Thứ ba, tổ chức tuyên truyền, phổ biến toàn dân với hệ thống truyền thông rộng khắp, đến tận cấp cơ sở. Khi đã xác định được đúng mục tiêu, đúng công cụ thì có thể nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến tới toàn dân.

Có thể thấy rằng, phát triển số và xã hội số là đưa các hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số. Môi trường số là môi trường mang tính toàn cầu, do vậy Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo quốc tế một cách có chọn lọc, kết hợp với thực tiễn của Việt Nam. Xét trên góc độ này, quyết tâm của Việt Nam, khát vọng của Việt Nam, sự nhanh nhạy của Việt Nam là không kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Tác giả: Tin: Lâm Phong

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây