Nâng cao nhận thức về An toàn thông tin số

Thứ hai - 26/06/2023 22:48
Chuyển đổi số đang tạo ra một không gian sống mới, đó là không gian mạng hay môi trường số. Việc công khai thông tin trên mạng xã hội, thực hiện giao dịch trực tuyến trở lên phổ biến trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những thông tin đó không được bảo vệ một cách thích hợp sẽ trở nên nguy hiểm cho người dùng do bị lộ thông tin cá nhân, bị lừa đảo trên không gian mạng.
 

Đảm bảo dữ liệu cá nhân và nâng cao nhận thức trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)
 
Trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển, nhiều người dân đã tiếp cận và tham gia mạng xã hội, học
online, xem phim online, mua hàng trên mạng, mở các trang quảng cáo, bán hàng online…Tuy nhiên,  cũng  không  ít người dân sau khi tham gia mạng xã hội đã trả lời thông tin online của một số website quảng cáo giả danh nhận khuyến mãi, cuộc gọi dụ dỗ tham gia vào các sàn chứng khoán bất hợp pháp, làm việc online tại nhà hoặc từ việc vô tình cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc xuất xứ, rồi vô tình nhấn vào các đường link quảng cáo và làm theo hướng dẫn một cách thiếu hiểu biết. Từ đó, vô hình chung đã đưa thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội, điều này vô tình tiếp tay tạo cơ hội cho kẻ xấu tìm kiếm, thu thập dữ liệu thông tin cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị D tổ 5, phường Tân Thanh - TP Điện Biên Phủ có nhận được cuộc gọi của một người tên H vào tháng 11/2022 với nội dung tư vấn và hướng dẫn làm việc tại nhà. Mà lạ là họ biết rõ thông tin cá nhân của chị, người tên H hướng dẫn chị cài App và làm nhiệm vụ thanh toán các hóa đơn hàng trên App và sẽ nhận được khoản lợi nhuận từ 20-40% của hóa đơn thanh toán đó. Làm theo lời người tên H, lần đầu tiên chị D thanh toán gần 1 triệu cho tài khoản ngân hàng theo hóa đơn, chỉ mấy phút sau thì chị D nhận   lại được cả tiền gốc và lãi hơn 1,4 triệu đồng. Lần thứ 2, chị D tiếp tục thanh toán hóa đơn hơn 2 triệu đồng và nhận lại tiền gốc và lãi hơn 2,2 triệu đồng. Cứ thế, từ lần thứ 3 trở đi số tiền thanh toán ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến lần thứ 4 thì chị không nhận được tiền và có hỏi người hướng dẫn thì họ cho biết đợt này thanh toán gộp nhiều lần làm nhiệm vụ một thể. Cảm thấy bất an chị lên mạng tìm hiểu thì tá hỏa đây là trò lừa đảo có nhiều người đã bị lừa vài trăm đến cả tỷ đồng. Chị liên hệ người hướng dẫn để đòi tiền gốc thì được hứa là nhiệm vụ sắp hoàn thành cố làm thêm mấy nhiệm vụ nữa để được thanh toán, thấy chị căng quá đối tượng lấy lý do bận lát gọi lại cho chị sau. Tuy nhiên, các cuộc gọi của chị thực hiện đều không liên lạc được nữa, chị đành chịu mất số tiền gần 20 triệu đồng, nghĩ cũng may hơn nhiều người mất cả tỷ đồng.
Đây chỉ là một trong nhiều hình thức lừa đảo trên mạng xã hội khi để lộ lọt thông tin cá nhân mà kẻ xấu dựa vào khai thác dữ liệu cá nhân để lừa đảo,. Theo Bộ Công an, dữ liệu của 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, chia sẻ, thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chia sẻ khác nhau. Việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số đang đặt ra nhiều vấn   đề mới về An toàn thông tin. Theo Cục ATTT- Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua trên thế giới và Việt Nam xảy ra nhiều vụ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân như: Singapore lộ lọt hồ sơ sức khỏe của 1,5 triệu người vào năm 2017; vụ giao bán của 1,5 tỷ người sử dụng facebook trên chợ đen vào 9/2021. Còn tại Việt Nam năm 2017 đã có 400 ngàn khách hàng Vietnamarilines bị lộ thông tin; năm 2018 có 5 triệu khách hàng của thế giới di động lộ thông tin và tháng 9/2021 thông tin của 5 triệu người dùng ô tô tại Việt Nam bị giao bán trên chợ đen.
Nhận định nguyên nhân của các vụ lộ lọt thông tin cá nhân chủ yếu là do người dùng bất cẩn, chủ quan và quy định về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cụ thể.
Tại tỉnh Điện Biên, việc  đảm  bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường số được tỉnh đặc biệt chú trọng bằng việc đầu tư hệ thống An toàn thông tin theo mô hình 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông (lực lượng tại chỗ; tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia). Đồng thời,  thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; triển khai dịch vụ hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý lỗ hổng bảo mật có nguy cơ bị tin tặc lợi dụng tấn công, phát tán mã độc.
Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị phòng chống tấn công mạng đã ghi nhận, cảnh báo và khắc phục trên 90 cuộc tấn công nguy hiểm, rò quét vào các trang thông tin điện tử; trên 112 nghìn mối đe dọa độc hại vào các trang thông tin điện tử; gần 80 nghìn mối nguy hại tấn công vào hệ điều hành máy tính, máy chủ. Phối hợp xử lý 36 địa chỉ IP của 16 cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh nhiễm mã độc và tham gia mạng máy tính ma (botnet). Số máy tính bị nhiễm virus, mã độc và đã được xử lý là trên 2 nghìn. Ngăn chặn gần 2.500 lỗ hổng bảo mật của hệ điều hành. Đồng thời, tổ chức diễn tập thực chiến an toàn an ninh thông tin cho gần 80 cán bộ chuyên trách, phụ trách các cơ quan, đơn vị. Phối hợp đào tạo kỹ năng số và an toàn thông tin số cho trên 1.200 lượt cán bộ thuộc Tổ chuyển đổi số cộng đồng.

Cán bộ phụ trách, chuyên trách các cơ quan, đơn vị tham gia diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin tỉnh Điện Biên năm 2022.
Theo ông Vũ Hoàng Thiên - Giám đốc Trung tâm CNTT&TT “Sự thuận tiện trên môi trường số thì luôn đối mặt với mất an toàn thông tin”. Bất kỳ thiết bị công nghệ nào dù có hiện đại đến mấy cũng có lỗ hổng bảo mật. Các yếu tố gây mất an toàn thông tin chủ yếu là do: Các thiết bị công nghệ không đặt mật khẩu hoặc mật khẩu không đủ mạnh; các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh khi kết nối mạng wifi miễn phí tại các điểm công cộng nếu không có cơ chế bảo mật tốt sẽ có nguy cơ bị tấn công. Camera gia đình, cơ quan không có mật khẩu hoặc không đổi mật khẩu thường xuyên; không quan tâm đến việc cập nhật bản vá hệ điều hành trên điện thoại, máy tính; khi cài đặt các phần mềm phòng chống mã độc cho điện thoại hoặc máy tính rõ nguồn gốc có bản quyền, nên nghiên cứu trước khi cài đặt.
Trước sự phát triển đa dạng của công nghệ, các hình thức tấn công mạng ngày càng tinh vi và biến đổi khôn lường. Cách tốt nhất để không bị tấn công là nâng cao nhận thức trên không gian số; phòng, chống là cách tốt nhất để xảy ra rồi thì vừa mất tài sản vừa mất công tìm thủ phạm. Do đó, khuyến cáo tất cả người dân khi tham gia vào môi trường số cần lưu ý một số nội dung sau: Không nên đăng nhập tài khoản của mình trên thiết bị của người khác; không dùng thiết bị công nghệ đã có khuyến cáo mất an toàn. Hạn chế cho quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân; không nên tắt các tường lửa của hệ điều hành trên máy tính; không đặt mật khẩu cho các tài khoản cùng một mật khẩu; nên đặt mật khẩu nhiều ký tự gồm cả chữ, số và ký tự đặc biệt. Người dân khi tham gia mạng xã hội nên sử dụng xác nhận bằng số điện thoại chính chủ đang dùng để nếu có nguy cơ mất mật khẩu thì sẽ khôi phục mật khẩu qua số điện thoại đang dùng. Đồng thời, tích cực phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng, các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân; đào tạo, tập huấn các kỹ năng đảm bảo an toàn số cho Nhân dân.


 

Tác giả: Bài, ảnh: Trọng Nghĩa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây