Nâng cao nhận thức mua bán, sử dụng sách chưa rõ nguồn gốc

Thứ bảy - 01/07/2023 05:35
DIC - Không phí quản lý, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút và lợi nhuận lên đến khoảng trên 80% so với giá bìa và được mệnh danh là “một vốn bốn lời”. Đó là thực trạng tràn lan sách lậu, sách không rõ nguồn gốc hiện nay.

Đa số các loạt sách này chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo các cấp học phổ thông, Đại học hoặc sách của các nhà văn nổi tiếng. Việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả không chỉ làm cho người viết sách mất đi động lực, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà xuất bản, mà gây ức chế cho người đọc; làm suy giảm sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản.
Năm 2022, tại thành phố Hà nội xôn xao về vụ bắt và khởi tố 34 bị can bị truy tố về tội sản xuất, buôn bán sách giả; nhận hối lộ, môi giới hối lộ xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát. Tại thời điểm kiểm tra có tới gần 9,4 triệu cuốn sách giáo khoa giả, sách tham khảo giả từ lớp 1 cho đến lớp 12 và một số loại sách giả khác và đã có khoảng 6 triệu cuốn sách đã được tiêu thụ trên cả nước. Đây chỉ là một trong những vụ việc bị khởi tố, còn rất nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán sách giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Như vậy hiển nhiên những sản phẩm này đang tồn tại hiện hữu ở các nhà sách, các cơ sở giáo dục mà ít người biết đó là những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Tỉnh Điện Biên cũng đang chịu sự ảnh hưởng của vấn nạn buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại sách không rõ nguồn gốc. Tôi có dịp được cùng đoàn Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo đi kiểm tra “Các điều kiện gia hạn cấp phép tổ chức hoạt động giáo dục, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ của các trung tâm dạy Ngoại ngữ”; trong đó có nội dung kiểm tra về tài liệu học tập và tham khảo.  
Qua kiểm tra bốn cơ sở đào tạo Ngoại ngữ ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh có 137 đầu sách với hơn 270 cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo tiếng Anh chủ yếu cấp học mầm non, tiểu học và THCS thì có 96 cuốn có dấu hiệu là sách lậu, sách không rõ nguồn gốc, các cuốn sách này qua mắt thường có thể thấy: Sách đóng gáy lỏng lẻo, thiếu sự chắc chắn, màu sắc in bị vỡ, chất lượng in mờ, giấy in mỏng; một số sách mã ISBN không theo quy chuẩn, khuân khổ cái to, cái bé, vị trí không đúng quy định; thông tin mã bản quyền không khớp với mã sách. Một số sách xuất bản trong nước và sách nhập khẩu nước ngoài đều không có hóa đơn, chứng từ, giấy phép thông quan đối với sách nhập khẩu; sách có mã ISBN không khớp với mã của thông tin bản quyền sách hoặc mã trùng nhau…
         
Một số sách không in giá trên bìa sách, hoặc giá của cuốn sách đã bị in lại mức giá khác và dán đè lên giá sách cũ. Sách có kèm đĩa CD đi kèm không có thông tin mã tiêu chuẩn hoặc mã hàng hóa theo quy định; các cuốn sách tái bản không có số lượng bản in hoặc tái bản, quyết định xuất bản của nhà xuất bản. Các cuốn sách trên là vi phạm Điều 10, Điều 27 Luật Xuất bản 2012; Điều 7,8,9 Thông tư 05/2016/TT-BTTTT, ngày 01/3/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Quy định về quản lý và sử dụng mã số sách tiêu chuẩn quốc tế.
          
Chưa hết các sách tiếng Anh có bản quyền thông thường có mã cào để sử dụng được bản mềm phục vụ tích hợp nghe nói và đáp án các câu hỏi trong cuốn sách. Tuy nhiên, khi kích hoạt các mã này trên App ứng dụng thì đều báo mã sai hoặc hết lượt kích hoạt (Theo khuyến cáo từ Nhà Xuất bản, mã kích hoạt nằm dưới lớp tráng bạc và được sử dụng tối đa 03 lần và có giá trị trong vòng 01 năm sau khi kích hoạt). Trong trường hợp này, nếu không kích hoạt được hoặc mã kích hoạt trùng số thì rõ ràng đó là sách giả vì mỗi cuốn sách chỉ có một mã kích hoạt không thể trùng mã được.
    
Qua nghiên cứu, tìm hiểu và tham vấn chuyên môn cho thấy nguyên nhân của hiện tượng buôn bán sách không rõ nguồn gốc này chủ yếu là lợi nhuận quá lớn (khoảng 80% lợi nhuận); trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ nặng mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung tăng mức phạt lên gấp đôi so với quy định cũ, nhưng tối đa cũng chỉ 200 triệu và các hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh quy định tại Điều 28, 29 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Trở lại thông tin khởi tố Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát như đã nêu tại đầu bài viết, với 9,4 triệu cuốn thu giữ cứ tạm tính giá trung bình 50 nghìn/cuốn thì số tiền bán sách là 470 tỷ đồng mà lợi nhuận khoảng 80% thì số tiền lãi khoảng trên dưới 376 tỷ đồng, trong khi mức phạt cao nhất là 200 triệu đồng thì chỉ như hạt muối bỏ bể.        
Chúng tôi có hỏi người quản lý của các cơ sở đào tạo này về việc có biết nguồn gốc, xuất xứ hoặc các quy định của Nhà nước về các cuốn sách mà mình đã mua và sử dụng không thì hầu như tất cả đều không hề biết, mà chỉ thấy rẻ là mua; lúc thì mua tại các nhà sách trên mạng hoặc là nhà cung cấp lớn chuyên cung cấp sách tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh.

Với công nghệ in hiện đại và tinh vi như hiện nay thì việc phát hiện bằng mắt thường khó có thể nhận biết được sách giả. Vì vậy, để phân biệt được sách thật - sách giả, khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý: Chọn mua sách ở những hiệu sách uy tín; không mua sách với mức chiết khấu cao (từ 40-50% trở lên); chỉ mua những cuốn sách thật vuông vức, giấy in dày dặn, màu sắc được in sắc nét, gấp tay đúng kích cỡ, có đầy đủ nội dung, có tem chống giả; nếu là sách tiếng Anh chính thống thường có mã kích hoạt bản mềm của sách in tại bìa 4, mã này được phủ một lớp tráng bạc, còn sách mà không có lớp tráng bạc hoặc tráng bạc mờ bất thường hoặc không kích hoạt được mã, thì đây là dấu hiệu dễ nhận thấy đó là sách giả.


 

Tác giả: Bài, ảnh: Hải Linh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây