Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Trách nhiệm không chỉ riêng ai

Thứ ba - 04/07/2023 20:42
DIC - Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, việc tìm hiểu, học tập của trẻ em trên không gian mạng ngày một thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trẻ em cũng chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều từ những thông tin tiêu cực trên mạng. Trong đó, ngoài việc sử dụng internet thường xuyên dẫn đến tình trạng nghiện, thần kinh dễ bị bất ổn, còn có những thông tin xuất hiện ngoài ý muốn của trẻ, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thậm chí, trẻ em còn là đối tượng để kẻ xấu lôi kéo, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc… Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là hết sức cần thiết. Đây là nhiệm vụ không chỉ với các bậc phụ huynh mà còn của cả xã hội.
 

Cục Báo chí - Bộ TT&TT tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tham mưu, tuyên truyền bảo vệ trẻ em. Ảnh: Vũ Vũ
Thời gian vừa qua, không ít bạn đọc phản ánh về việc trên các ứng dụng, diễn đàn, mạng xã hội, kênh video... trên internet xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh “gắn mác” dành cho trẻ em, nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm. Chị Nguyễn Thu Dung (phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Tôi có con trai đang học học lớp 7. Trước đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên gia đình đầu tư máy tính để tự học trên internet. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi rất lo lắng vì thấy cháu thỉnh thoảng có hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi của mình, thậm chí có xu hướng hay gây gổ, bạo lực hơn trước. Tìm hiểu, vợ chồng tôi mới biết cháu thường xuyên xem những clip trên mạng xã hội có nhiều hình ảnh chửi bới, bạo lực và bị ảnh hưởng từ đó”.
Thực tế, thời gian qua, nhiều clip, livestream những nội dung phản cảm, như: Một số kênh Youtube như Hưng Vlog, Hưng Troll… đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính vì liên quan đến một số nội dung đăng tải được cho là phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trẻ em. Hay sự việc tài khoản mạng xã hội của Youtube Thơ Nguyễn trước đây đã đăng tải clip người này ôm một con búp bê, tay cầm sợi dây chuyền và tự giới thiệu là để “xin vía học giỏi” cho học sinh khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt và cơ quan chức năng phải vào cuộc. Trước đó, chủ nhân của kênh này thường xuyên đăng tải những nội dung phản cảm, độc hại và có thể làm nguy hiểm đến trẻ em nếu bắt chước. Và gần đây nhất là hiện tượng hướng nghiệp nhảm nhí trên TikTok khi có những người tự nhận mình là thầy giáo, giáo viên đưa ra những lời khuyên lệch lạc như đừng đọc sách, bằng đại học là vô dụng, từ đó tạo ra thông tin sai lệch; rồi những vụ việc gây “tai tiếng” như cô đồng "Đúng nhận, sai cãi", video miệt thị người nghèo của Nờ Ô Nô hay video phân biệt vùng miền...gây bức xúc trong xã hội. Đối mặt với những nội dung không phù hợp, không đúng này có thể làm thay đổi lệch lạc thế giới quan của giới trẻ.

Những năm qua, Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng cho học sinh.
Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường cần hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn. Gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Xã hội cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang website... có nội dung độc hại. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, triệt xóa và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.
Đáng chú ý, ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 2197/KH-UBND về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo hàng rào bảo vệ trẻ em trước tác động tiêu cực từ môi trường mạng. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi tường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật...
Để thực hiện được mục tiêu trên, góp phần bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước khi để xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gây hậu quả nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý. Sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nghiêm cấm mọi hình thức tạo lập, lưu trữ, chia sẻ với mục đích vi phạm pháp luật các hình ảnh, video clip, trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm phạm.
Song song cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cùng với đó, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Với sự phát triển của internet, trẻ em tiếp cận với môi trường mạng là điều đương nhiên. Điều quan trọng là chúng ta cần có những giải pháp để giúp các em có thể tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì hơn ai hết các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, theo dõi con em mình khi các em tiếp xúc với môi trường mạng xã hội, không để các em sử dụng điện thoại, máy tính để lên mạng internet quá nhiều ngoài giờ học, hãy học và chơi cùng con trên mạng internet, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Cùng với đó, khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, người dân nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.


 

Tác giả: Bài, ảnh: Văn Tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây