DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 24/09/2013 05:48
DIC - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) - Bộ Tư pháp phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng bảng khảo sát đánh giá về kết quả cải cách TTHC thông qua người dân và doanh nghiệp (DN).
Theo đó, mức độ hài lòng của người dân và DN khi thực hiện TTHC tại các cơ quan nhà nước sẽ được đánh giá bởi những hệ thống giám sát với những tiêu chí cụ thể, đây cũng là công cụ để Cục Kiểm soát TTHC và Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính (CCHC) đo lường tác động trên thực tế của việc cải cách TTHC theo định kỳ hằng năm (bắt đầu từ năm 2013). /uploads/news/2013_09/aa_1.jpg Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” Phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, (Hà Nội). Ảnh: Viết Thành Để đánh giá tình hình thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương khách quan, trung thực, các chuyên gia cho rằng, cần tiến hành khảo sát trên hai mặt: Đánh giá từ nội bộ các cơ quan hành chính về mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá từ phía người dân, DN khi tham gia thực hiện các TTHC. Bà Phạm Ngọc Linh, chuyên gia IFC cho biết: "Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước đang tiến hành xây dựng chỉ số CCHC và chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Song, các phương pháp đó còn thiên về tự đánh giá và chỉ phục vụ cho một bộ, ngành hoặc một lĩnh vực nhất định. Với công cụ khảo sát đánh giá do Cục Kiểm soát TTHC và IFC thực hiện, những tác động của TTHC sẽ được đo lường, các lĩnh vực được cải cách tốt và chưa tốt, những TTHC nào cần được cải cách và ưu tiên cải cách sẽ được thể hiện rõ, tạo nên một bức tranh tổng thể". Hai bảng đánh giá được xây dựng là bảng đánh giá chung và riêng. Bảng đánh giá chung có mục đích so sách, đánh giá tiến trình cải cách TTHC và nhận xét, kiến nghị của người dân, DN về quy trình giải quyết TTHC. Bảng đánh giá gồm 13 tiêu chí thành phần, với thang điểm từ 1 đến 4 dành cho các dịch vụ giải quyết TTHC, mức độ đồng thuận của người dân về chất lượng dịch vụ, nhận xét về quy trình giải quyết TTHC và khó khăn trong quá trình thực hiện TTHC. Như vậy, bảng đánh giá sẽ thu được cả thông tin định tính và định lượng. Bảng đánh giá riêng có mục đích đo lường tác động trên thực tế của CCHC thông qua cảm nhận về sự hài lòng của người dân và DN trong thực hiện TTHC có liên quan; thu thập sáng kiến của người dân và DN về TTHC. Bảng này được chia nhỏ theo 4 giai đoạn cơ bản của một TTHC (tìm hiểu thông tin, chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ, nhận kết quả), đồng thời để người dân và DN đánh giá mức độ trong thực hiện (dễ - bình thường - khó - rất khó). Sau khi có kết quả khảo sát chung, những mảng TTHC đã cải cách nhưng có tác động kém sẽ được tiến đến khảo sát chuyên đề, xác định những mảng chưa tốt và cốt lõi để giải quyết vấn đề đó. Những đánh giá chuyên đề sẽ được ghép vào hệ thống đánh giá nội bộ, là cơ sở để đối chiếu so sánh với những đánh giá từ phía cơ quan nhà nước. Theo Quyết định 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 24 nhóm TTHC ảnh hưởng trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp, đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cần được tháo gỡ, cải cách quyết liệt. Hiện tại, các nhóm đang được các bộ, ngành tập trung cải cách là: Đăng ký DN, đăng ký hoạt động DN; thuế; đất đai - đầu tư - xây dựng; y tế - khám chữa bệnh và đào tạo. Nếu áp dụng được bảng khảo sát sẽ là thước đo thiết thực đánh giá hiệu quả cải cách TTHC trong các nhóm lĩnh vực "nóng". Lãnh đạo Cục Kiểm soát TTHC khẳng định, những đánh giá này không xuất phát từ cơ quan nhà nước mà đứng ở góc độ người dân và DN chịu tác động của TTHC mong muốn cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến thủ tục đó. Sản phẩm báo cáo đánh giá sẽ thể hiện cách nhìn riêng của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC về những cảm nhận, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với kết quả thực hiện cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương một cách tương đối toàn diện, sinh động, khái quát được mặt tích cực, tồn tại và minh chứng cụ thể, những nội dung gì cần tiếp tục cải cách… Từ đó báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm trong các năm tiếp theo cũng như những sáng kiến cải cách các quy định hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, DN trong thực hiện TTHC. Nhận xét về bảng hỏi, nhiều ý kiến cho rằng, với việc đánh giá thông qua người dân và DN, các kết quả của cải cách TTHC được thể hiện khách quan hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, bảng hỏi còn dài và quá chi tiết, sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Thời gian qua, việc đánh giá kết quả cải cách TTHC nói riêng và CCHC nói chung dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều TTHC vẫn còn rườm rà khiến người dân nản lòng. Hy vọng rằng, cùng với các chỉ số khảo sát mà các bộ, ngành đang tiến hành hiện nay như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), chỉ số CCHC (PAR Index)… bảng khảo sát, đánh giá về kết quả cải cách TTHC được Cục Kiểm soát TTHC và Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC tiến hành hằng năm sẽ là công cụ hữu hiệu để đo kết quả thực tế, góp phần đẩy nhanh tốc độ cải cách TTHC của các ngành, các cấp.