DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 25/09/2013 02:42
Công ty tư nhân tổ 27 làm thủ tục thuê đất tại Phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường). Ảnh: Gia Linh
DIC - Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước của Chính phủ và của tỉnh, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC, Sở đã chú trọng công tác tuyên truyền lồng ghép các nội dung CCHC tại các hội nghị quán triệt của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các buổi sinh hoạt, họp của cơ quan; tuyên truyền nội dung CCHC trên bản tin của ngành và các phương tiện thông tin truyền thông khác. Qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức trong ngành xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong thực hiện những công việc cụ thể về CCHC được giao; phát huy tính chủ động và trách nhiệm điều hành tổ chức, quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý. Sở đã xây dựng chương trình hành động và triển khai đồng bộ trên cả 5 lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và cải cách tài chính công. Đơn cử, về cải cách thể chế, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường như: quy định về trình tự, thủ tục giao đất, thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng tài sản trên đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất…Tạo thuận lợi cho các tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” trực thuộc Văn phòng Sở; chủ động đổi mới về nội dung, cách thức tổ chức thực hiện, từng bước thay đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Song song với đó là công bố công khai các trình tự thủ tục hành chính, giấy tờ, biểu mẫu, quy trình giải quyết, thời gian giải quyết, phí và lệ phí tại bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả. Việc thực hiện cơ chế một cửa, công khai, minh bạch hóa các quy định về TTHC theo hướng đơn giản hóa đã giảm được các thủ tục phiền hà, sách nhiễu. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết các hồ sơ liên quan chỉ việc nộp hồ sơ tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả mà không phải đến từng phòng làm các thủ tục; rút ngắn được thời gian đi lại. Từ năm 2012 đến nay, bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận hơn 200 hồ sơ (bao gồm các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường và lĩnh vực giao dịch đảm bảo). Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả đảm bảo đúng quy trình, thời gian, tạo được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, số hồ sơ được giải quyết đúng hẹn đạt tỷ lệ trên 80%; đặc biệt lĩnh vực giao dịch đảm bảo tỷ lệ thực hiện đạt 100%. Qua đó từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ giải quyết công việc đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.Tuy nhiên, quá trình thực hiện CCHC theo cơ chế một cửa ở Sở Tài nguyên và Môi trường còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng làm việc… Nhiều văn bản quy phạm pháp luật thay đổi trong thời gian ngắn, nhất là văn bản thuộc lĩnh vực đất đai, khoáng sản dẫn đến việc kiểm tra, rà soát chưa kịp thời. Chính vì vậy, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường chú trọng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác CCHC; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Tiếp tục duy trì có hiệu quả việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo điều hành; triển khai áp dụng các công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành.