Nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác đào tạo nghề

Thứ năm - 19/09/2013 21:55

Một tiết dạy nghề may cho các học viên

Một tiết dạy nghề may cho các học viên
DIC - Những năm qua, công tác đào tạo nghề được các cấp, ngành tỉnh quan tâm. Đến thời điểm này toàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo nghề, gồm: Trường Cao đẳng Nghề, Trung tâm Hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) và 3 trung tâm dạy nghề cấp huyện. Từ năm 2011 đến nay, các cơ sở đào tạo đã dạy nghề cho 26.500 người, bình quân mỗi năm đào tạo 8.500 lao động. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở tỉnh ta từ 29,51% (năm 2010) lên 39,4% (năm 2013). Tuy nhiên, số lượng lao động qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của tỉnh.
Bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng “Phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của toàn xã hội; là một nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia”. Thời gian qua, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã có nhiều tin bài tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó, Báo Điện Biên Phủ, Đài PT-TH tỉnh coi đây là lĩnh vực tuyên truyền thường xuyên để chỉ đạo phòng chuyên môn tập trung thực hiện. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu là: Thực trạng đào tạo nghề trên địa bàn; cơ chế chính sách về đào tạo nghề; các cơ sở dạy nghề, khả năng đào tạo nghề cho các đối tượng ... Nhiều vấn đề “nóng” về đào tạo nghề đã được phán ánh, phân tích trên các tác phẩm báo chí như: Cơ cấu ngành nghề còn bộc lộ sự bất hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn; kinh phí đầu tư cho dạy nghề miền núi còn thấp; tình trạng không ít học viên qua đào tạo nghề nhưng khó tìm được việc làm…Thực tế thời gian qua cho thấy: Những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động được báo chí phản ánh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời. Qua đó góp phần không nhỏ trong những kết quả tích cực tỉnh ta đã đạt được như: Toàn tỉnh mở được 421 lớp dạy nghề cho 14.318 lao động nông thôn; số lao động có việc làm sau học nghề đạt 72,5%; trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị liên quan được nâng cao; bước đầu tạo sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và đơn vị sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; toàn tỉnh đã xây dựng và đào tạo được 16 mô hình thí điểm cho người học nghề...Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, bên cạnh những mặt tích cực đó thì hoạt động tuyên truyền về đào tạo nghề vẫn còn những hạn chế. Đó là tần suất tuyên truyền chưa cao, nội dung phản ánh chưa đa dạng, hình thức chưa phong phú. Việc tuyên truyền vẫn còn một chiều, phần lớn các tác phẩm báo chí tập trung phản ánh đậm nét về đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà chưa chú ý đến công tác dạy nghề nói chung. Đặc biệt là về các vấn đề bức xúc như: Công tác tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề đào tạo và xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo.... Việc tuyên truyền chủ yếu là đưa tin, phản ánh sự kiện, giới thiệu các quan điểm, chủ trương, chưa có những bài viết sâu sắc đánh giá về công tác đào tạo nghề. Tuyên truyền về dạy nghề chưa phản ánh sinh động thực tế cũng là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của dạy nghề.Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho 7.000 – 8.000 lao động, tạo việc làm mới cho khoảng 8.000 – 8.5000 lao động/năm; nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 44,8% vào năm 2015; Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, các cơ quan báo chí, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền về dạy nghề. Trước hết, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân nói chung, người lao động nói riêng về vai trò, vị trí của đào tạo nghề và học nghề trong giải quyết việc làm, bảo đảm cơ cấu nguồn nhân lực để phát triển KT - XH bền vững. Tuyên truyền có trọng điểm để làm rõ cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về đào tạo nghề; việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển dạy nghề; xã hội hóa dạy nghề, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề; giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo, học nghề.Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo nghề của tỉnh cần phối hợp tích cực với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, đồng thời bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì thực hiện các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về dạy nghề. Qua đó, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin một cách nhanh nhạy, kịp thời các chủ trương, chính sách mới về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; là cầu nối đưa các chế độ, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào cuộc sống.

Tác giả: Nhất Nguyên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây