DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 15/09/2013 20:25
DIC-Theo đề án thiết lập hệ thống thông tin điện tử về thủ tục hành chính do Bộ Tư pháp đang xây dựng, người dân có thể xem được đơn kiến nghị đang được xử lý tại đâu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai đề án này không đơn giản.
Mục tiêu của đề án là giảm chi phí thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, cũng như chi phí hành chính cho cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tạo cơ chế kiểm soát một cách đồng bộ thủ tục hành chính. Theo ông Lê Vệ Quốc- Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối khoa giáo- văn xã (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp), thực hiện “Đề án thiết lập hệ thống thông tin điện tử tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính”, ước tính có thể tiết kiệm được 570 tỷ đồng/năm so với việc vận hành mô hình giải quyết thủ công hiện nay. Ý tưởng của bản đề án có tên gọi khá dài trên được ủng hộ mạnh mẽ, song cũng nhiều ý kiến đưa ra dự án khó triển khai. Ông Lê Quốc Hữu- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT- cho rằng, cần có quy định, chế tài để cơ quan hành chính nhà nước phải tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính của người dân. Hiện nay, quy mô tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính ở tất cả các cấp chính quyền trên cả nước rất lớn, khoảng 600 ngàn thủ tục/ngày. Như vậy, nên quy định thời gian thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trong bao lâu? Ngoài ra, vấn đề về bảo mật cho giao dịch thủ tục hành chính cũng cần được quan tâm bởi với nhu cầu xử lý giao dịch hàng ngày lớn, đòi hỏi một hệ thống hạ tầng chuyên nghiệp. Ở góc độ thu thập thông tin, ông Hoàng Thanh Phúc- Công ty Cổ phần tập đoàn HIPT lại e ngại việc triển khai dự án sẽ rất khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các bộ phận thụ lý hồ sơ. Thực tế, có nhiều trường hợp, mặc dù đã có quyết định từ phía tỉnh, thành phố nhưng việc cung cấp thông tin tại các cơ sở lại không sẵn sàng. Ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) - chia sẻ: Nếu đi đúng lộ trình đề xuất, tới năm 2016, hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được triển khai kết nối thí điểm ở 5 thành phố lớn và một số bộ, ngành trước khi có đánh giá, tổng kết để áp dụng đại trà trên cả nước.