Nhiều giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của truyền thanh cơ sở

Chủ nhật - 05/06/2022 23:57
DIC - Những năm qua, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh ta đã phát huy tốt vai trò, chuyển tải kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết số Đài Truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh là đài sử dụng công nghệ FM đã cũ và có nhiều hạn chế. Cần có giải pháp mới trong việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của truyền thanh cơ sở.

Cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh cơ sở xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa vận hành hệ thống truyền thanh.
Truyền thanh cơ sở từ lâu được coi là một kênh thông tin, tuyên truyền có diện phủ sóng rộng nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến với đông đảo người dân; là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu của địa phương, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã luôn bám sát định hướng của các cấp ủy, chính quyền; kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống; góp phần tích cực vào việc động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh và lây lan trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do vậy, vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở được khẳng định hơn nữa trong việc tăng cường thông tin, tuyên truyền về diễn biến, các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, của các cấp, ngành, địa phương; hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đến từng khu dân cư, tổ dân phố, từng ngõ xóm, từng hộ gia đình.
Thực trạng hoạt động và trang thiết bị của hệ thống Đài truyền thanh cơ sở
Hiện toàn tỉnh có 108/129 xã, phường, thị trấn đơn vị có Đài Truyền thanh cơ sở và để nâng cao chất lượng trong truyền thanh cơ sở, cấp ủy chính quyền các cấp đã quan tâm đầu tư thêm các phương tiện, máy móc, tăng âm, loa đài, cũng như cử những cán bộ phụ trách phát thanh cơ sở tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ phát thanh nhằm nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền.
Tuy nhiên, hoạt động truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh bị chi phối bởi nhiều vấn đề như: Địa hình đồi núi phức tạp, vùng phát thanh FM bị giới hạn; nhiều vùng lõm sóng không lắp đặt được các cụm loa; chất lượng âm thanh không ổn định, ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Nhiều hệ thống truyền thanh truyền thống đã cũ, cơ sở vật chất về phương tiện truyền thanh còn thiếu, không đồng bộ, tăng âm công suất thấp nên việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ chính trị của địa phương còn hạn chế. Ở hệ thống phát thanh cơ sở này, hiện tại hình thức phát thanh vẫn là hình thức truyền thống, chủ yếu người đọc tin, tài liệu tuyên truyền trực tiếp, do đó sẽ còn nhiều bất cập như: Tài liệu tuyên truyền dài không thể đọc hết và đọc nhiều lần, cán bộ phát thanh viên khó chủ động thời gian cho các buổi phát thanh, nhiều trường hợp nhà xa, trong khi ở địa phương chủ yếu phát thanh vào các buổi sáng sớm và chiều muộn nên việc bố trí thời gian để phát thanh rất vất vả, nhất là những hôm trời mưa gió lớn. Bên cạnh đó, đa phần những cán bộ được giao nhiệm vụ phát thanh ở các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh  đến nay hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo qua nghiệp vụ, không có trình độ chuyên môn về phát thanh. Chính vì vậy, các bản tin phát thanh khi đọc chất lượng chưa được đảm bảo, giọng đọc còn hạn chế, đọc sai, đọc vấp, đọc ngọng, không đúng ngữ pháp còn xảy ra.
Ông Tòng Văn Lả - Hiện đang là kế toán kiêm cán bộ truyền thanh xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông cho biết: "Trước đây xã có một cán bộ truyền thanh, nhưng do bộ phận này chỉ là bán chuyên trách, phụ cấp thấp nên sau khi làm được vài năm thì xin nghỉ. Mặc dù xã đã thông tin tuyển cán bộ truyền thanh nhiều lần nhưng do phụ cấp thấp nên không có ai muốn làm. Để đảm bảo tin tức phát thanh xã đã cử ông kiêm nhiệm. Tuy nhiên Đài Truyền thanh xã đặt tại trụ sở xã, nhà ông thì ở cách xa trung tâm, mỗi khi trời mưa gió đi lại rất vất vả. Cùng với đó là hiện nay việc đầu tư cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc truyền thanh của xã còn nhiều hạn chế".
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở
Ngày 20/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT và để triển khai Quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 về Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Bộ TT&TT đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi mạnh mẽ truyền thanh cấp xã từ công nghệ có dây/không dây FM sang công nghệ truyền dẫn số dựa trên nền tảng IP như: Internet, di động 3G/4G, điện thoại cố định IP có nhiều ưu điểm như chất lượng âm thanh tốt hơn, dễ giám sát, có thể điều khiển, kiểm soát từ trung tâm quản lý tập trung, ứng dụng phần mềm quản lý để tinh giảm nhân lực; Với nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đạt 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói; chuyển ngữ nội dung phát thanh tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.
Với Điện Biên, hiện tại đã có hơn 30 đài truyền thanh có sở ứng dụng công nghệ sử dụng nền tảng công nghệ chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói vào hoạt động của truyền thanh cơ sở. Theo dự kiến, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cũng sẽ ban hành Kế hoạch phát triển thông tin cơ sở tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, mục tiêu đến năm 2025: 100% UBND cấp xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, hệ thống thiết bị kỹ thuật hoạt động ổn định với 100% loa đến các thôn hoạt động thường xuyên, chất lượng âm thanh tốt; đầu tư, chuyển đổi số đài truyền thanh truyền thống cấp xã sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Giai đoạn 2025-2030, cụ thể hóa các nhiệm vụ tại Quyết định 1381/QĐ-BTTTT 07/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông đến 100% các đài xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, đảm bảo kết nối, liên thông với hệ thống thông tin nguồn của Trung ương; chia sẻ, truy xuất dữ liệu đến các hệ thống thông tin cơ sở. Đồng thời, thiết lập ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và sử dụng các loại hình thông tin mới hiện đại, kết hợp với các loại hình thông tin truyền thống để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.
Đứng trước những thực trạng và khó khăn trên, triển khai các giải pháp theo định hướng của chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Thông tin, việc triển khai hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với những tính năng hiện đại vào sử dụng sẽ giúp giảm thiểu hạn chế trong công tác thông tin tuyên truyền tại  Điện Biên, góp phần từng bước chuyển đổi số hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, các nguồn lực xã hội hóa đồng hành cùng tỉnh trong quá trình chuyển đổi hệ thống thông tin cơ sở./.

 

Tác giả: Bài: Chung Dũng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây