TP. Điện Biên Phủ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử

Thứ hai - 06/06/2022 03:02
DIC - Bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, TP. Điện Biên Phủ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan Nhà nước, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; chú trọng cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ.
Trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính; 15 điểm phục vụ bưu chính; 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 132 vị trí trạm thu, phát sóng thông tin di động; 12/12 xã, phường được phủ sóng di động 3G, 4G. Hiện có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet với tổng số 16.635 thuê bao internet; 12/12 xã, phường được kết nối internet băng thông rộng (đạt 100%). Hạ tầng viễn thông phát triển đảm bảo quy hoạch, rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân, doanh nghiệp; sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước. Chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet ngày càng được nâng cao. Mức độ phổ cập điện thoại thông minh, internet và sử dụng dữ liệu trong nhân dân ngày càng tăng.
UBND thành phố đã đầu tư kinh phí nâng cấp hạ tầng, ứng dụng CNTT; thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản từ thành phố đến xã, phường; 12/12 xã, phường được đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ hội nghị trực tuyến đáp ứng tiêu chuẩn kết nối liên thông từ tỉnh đến thành phố và xã, phường. Hệ thống “một cửa” tại UBND thành phố và các xã, phường được đầu tư thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức tại các phòng chuyên môn; máy tính kết nối internet băng thông rộng, mạng LAN tại các phòng chuyên môn thuộc thành phố, UBND xã, phường đạt 100%. Bộ phận “một cửa” được đầu tư máy xếp hàng tự động, máy quét, máy photo, máy tính để bàn, máy tra cứu kết quả giải quyết TTHC, đánh giá sự hài lòng của người dân. Hệ thống hội nghị trực tuyến được thực hiện đảm bảo điều kiện kỹ thuật tốt cho các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương, tỉnh, thành phố với UBND các xã, phường.
Thành phố cũng tích cực ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động nội bộ, như: Phần mềm hồ sơ công việc, phần mềm kế toán - tài chính; phần mềm tiếp nhận và trả hồ sơ bộ phận “một cửa”, phần mềm quản lý trường học; quản lý hộ tịch, quản lý đơn thư... Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD-Office) được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông tới tỉnh và UBND các xã, phường. Qua đó công tác điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử đạt kết quả nhất định. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp thành phố đạt 95%; cấp xã, phường đạt 80%. Đến nay, 100% các cơ quan thuộc thành phố, 12/12 xã, phường thực hiện ký số điện tử. Tỷ lệ văn bản ký số năm 2021 đạt 92%. Tỷ lệ cán bộ, công chức thành phố thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt 100%; cấp xã, phường đạt 85%...
Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử thành phố thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND thành phố; công khai ngân sách; tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân; kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia... Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, UBND các xã, phường được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó số dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 là 11 TTHC, mức độ 4 là 57 TTHC. Thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính, đến nay đã có 12 xã, phường và 2 cơ quan ký hợp đồng với Bưu điện thành phố về tiếp nhận trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Triển khai thực hiện quản lý, khai thác và bảo vệ thiết bị mạng truyền số liệu chuyên dùng; TP. Điện Biên Phủ đã bố trí phòng máy chủ để triển khai các ứng dụng CNTT và trang bị hệ thống tường lửa (firewall); trang bị hệ thống phòng chống cháy nổ, chống sét cho hệ thống mạng của UBND Thành phố; thường xuyên rà soát, kiểm tra định kỳ để bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình vận hành và sử dụng; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, liên tục (24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần). Hệ thống mạng LAN, các thiết bị ngoại vi, đường truyền internet tốc độ cao, hệ thống wifi… được đảm bảo, đáp ứng các yêu cầu quản lý và thực hiện chuyên môn nghiệp vụ.
Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần giúp TP. Điện Biên Phủ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin chỉ đạo, quản lý, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Chính vì vậy, thành phố tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Triển khai có hiệu quả Chương trình cải cách hành chính của tỉnh, thành phố gắn kết chặt chẽ xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cơ bản đạt mức độ 3, 4. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng, hướng tới nâng cao hiệu quả công việc, giảm chi phí đưa CNTT trở thành công cụ hỗ trợ cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi.

Tác giả: Bài, ảnh: Gia Kiên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây