Điện Biên - Hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số

Chủ nhật - 05/06/2022 23:46
DIC - Ngày 11/2/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số (gọi chung là Chương trình Phát triển nền tảng số quốc gia). Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nhiệm vụ này, Điện Biên đã chuẩn bị các bước phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Họp Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Điện.
Việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện với nhiều giải pháp phù hợp và được sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Riêng năm 2021, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch… đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển chính quyền số như: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 4815/KH-UBND của UBND tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin trong cơ quan Nhà nước tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025… cùng các quy chế quản lý, vận hành, sử dụng mạng truyền số liệu, tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số khác. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử, phiên bản 2.0 và tổ chức triển khai, duy trì cập nhật Kiến trúc theo quy định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Để theo kịp chương trình chuyển đổi số, Điện Biên đã xác định bước đầu là quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu. Tính đến hết năm 2021, về hạ tầng bưu chính, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính với 169 điểm phục vụ. Trong phát triển hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, bưu chính số, hiện đã xây dựng được văn bản triển khai việc sử dụng dịch vụ định danh, xác thực điện tử (PostID) trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong lĩnh vực viễn thông, hạ tầng phát triển đảm bảo đúng quy hoạch, rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu điều hành chỉ đạo của cơ quan Đảng, Nhà nước và sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng viễn thông đã góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ chung của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại. Chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet cũng ngày càng được nâng cao. Với 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động ổn định, mức độ phổ cập điện thoại thông minh, internet và sử dụng dữ liệu trong nhân dân ngày càng tăng.
Cùng với phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông; hạ tầng, nền tảng công nghệ thông tin đang có những bước phát triển nhanh. Cụ thể như: Tỷ lệ hệ thống máy tính/cán bộ, công chức cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt trên 90%. 100% cơ quan Nhà nước được kết nối mạng nội bộ, mạng internet tốc độ cao và kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. Hiện nay, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đang được đầu tư, nâng cấp để tạo nền tảng hạ tầng quản lý tập trung đảm bảo đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh thông tin, phục vụ hoạt động cho các phần mềm dùng chung của tỉnh. Nền tảng chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) được đầu tư xây dựng, vận hành và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung. Nền tảng quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cấp và liên thông, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh được triển khai từ cấp tỉnh (với 14 điểm) đến 100% cấp xã và kết nối với hệ thống họp trực tuyến của Chính phủ. Đi cùng đó, hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được xây dựng và kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ; 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo và điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Kỹ thuật viên Trung tâm CNTT &TT xử lý sự cố hệ thống mạng Internet.
Có thể thấy rằng, cùng với quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp chính quyền và nhiều doanh nghiệp đang tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Với cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số, Điện Biên đã sẵn sàng tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động để chuyển đổi số thực sự là động lực cho sự phát triển của tỉnh.
 

Tác giả: Bài Tiến Đạt, Ảnh: Minh Quang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây