Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch

Thứ ba - 21/06/2022 04:26
Trong đại dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, khi tình hình dịch đã được kiểm soát, một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phục hồi phải kể đến việc chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh, hồi phục và phát triển bền vững hơn.

.

Viên chức Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh hướng dẫn sử dụng máy tra cứu thông tin về du lịch.

Trong xu thế hiện nay, ngành du lịch trong cả nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy lợi ích của công nghệ số. Việc đó góp phần tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời, tăng tính trải nghiệm và phục vụ tốt hơn cho du khách. Trong đợt dịch Covid-19 kéo dài vừa qua, ngoài các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục thông thường như trước đây, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở cung ứng dịch vụ đã bổ sung nhiều yêu cầu về chứng nhận tiêm vắc xin, yêu cầu khai báo y tế, quét mã QR, theo dõi di chuyển, tiếp xúc... bằng các ứng dụng chuyên ngành. Để đáp ứng các vấn đề này, chỉ có công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số mới có thể thực hiện một cách nhanh chóng và giản tiện cho du khách.

Không chỉ vậy, trước đây, cách quảng bá du lịch thông qua báo chí, tờ rơi hay tham gia các chương trình xúc tiến... phần nào đáp ứng được nhu cầu tham khảo điểm đến. Thế nhưng đòi hỏi của du khách ngày càng cao hơn. Do vậy, đặt ra yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực marketing du lịch, bằng việc kết hợp đồng thời sự thay đổi trong phương thức marketing và ứng dụng các kỹ thuật số. Với ngành du lịch tỉnh ta, những năm qua, hệ thống thông tin quảng bá du lịch được tăng cường bằng nhiều hình thức phong phú, thông tin quảng bá đa dạng. Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, việc ứng dụng các kênh truyền thông có tính lan tỏa cao trên mạng xã hội như: Facebook; youtube... Đồng thời, xây dựng, duy trì và đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá trên các cổng/trang thông tin điện tử: svhttdldienbien.vn và dulichdienbien.vn. Nội dung giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên, cung cấp thông tin, phản ánh các hoạt động văn hóa: Phong tục tập quán, các di sản vật thể và phi vật thể, các lễ hội truyền thống trong tỉnh được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao. Với gần 3.262 tin, bài, phóng sự trên các kênh truyền thông góp phần làm tăng hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu và khẳng định thương hiệu du lịch Điện Biên.

Cùng với đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nhà đang triển khai xây dựng phần mềm du lịch thông minh để nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước, quảng bá hình ảnh du lịch cho các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh và du khách. Hình thức tiếp thị mới này sẽ mang đến nhiều giá trị hơn qua việc tương tác với người tiêu dùng nhanh chóng và nắm bắt được thị hiếu của họ dễ dàng hơn. Theo ông Đặng Minh Phương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh: Hiểu một cách đơn giản, phần mềm du lịch thông minh cung cấp dịch vụ tiện ích trên tay, dễ dàng tiếp cận nhất cho tất cả du khách. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu trên thế giới, du khách truy cập vào phần mềm cũng có thể tìm hiểu về du lịch Điện Biên. Từ các điểm đến, sản phẩm du lịch, thông tin về giá cả, cách thức di chuyển... đều gói gọn trong phần mềm này. Du khách được tiếp cận với các sản phẩm du lịch được số hóa và trải nghiệm mang tính gợi mở về các sản phẩm đó. Đơn cử như khi quan tâm tới di tích Đồi A1, du khách chỉ cần gõ cụm từ cần tra cứu, các thông tin sẽ hiện ra đầy đủ, từ hình ảnh tổng quan, chi tiết cho đến cả phần thuyết minh cơ bản... đủ để hấp dẫn du khách tìm đến với điểm du lịch này. Nhìn chung, phần mềm du lịch thông minh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước; giúp cho doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận với khách và hỗ trợ mạnh mẽ công tác xúc tiến quảng bá, trên nền tảng số. Hiện nay, phần mềm đang trong quá trình hoàn thiện và được tích hợp vào Đề án Phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến trình UBND tỉnh thời gian sớm nhất trong năm 2022 này.

Cùng với việc xây dựng, triển khai phần mềm du lịch thông minh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi số để phục vụ nhiệm vụ chung cũng như góp phần vào phát triển du lịch. Trong đó tập trung vào xây dựng hệ thống quản lý, số hóa di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể và hiện vật bảo tàng tỉnh Điện Biên và hiện đại hóa phòng trưng bày, giới thiệu tổng thể Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, trong công tác chuyển đổi số của ngành còn gặp không ít khó khăn, làm chậm bước tiến của quá trình này, như: Lực lượng làm công tác chuyển đổi số còn thiếu và yếu về chất lượng; chủ yếu là vừa công tác vừa nghiên cứu, chưa có lực lượng nòng cốt chuyên tổ chức nghiên cứu, ứng dụng thực hiện các đề án, dự án chuyển đổi số và công nghệ nên quá trình triển khai thực hiện đề án, dự án còn chậm so với tiến độ đề ra. Nguồn kinh phí được cấp để triển khai thực hiện còn hạn chế, kinh phí còn thấp so với thực tế chi. Tuy có nhiều đề án liên quan trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, nhưng đa số là ở góc độ nghiên cứu, chưa có tính ứng dụng cao, quy mô nhỏ, chưa tạo được đột phá. Đối với Dự án Hiện đại hóa phòng trưng bày giới thiệu tổng thể Chiến dịch Điện Biên Phủ triển khai chậm do nội dung đầu tư của dự án gồm nhiều nội dung công việc có tính chất khác nhau. Do đó, việc áp dụng quy định về trình tự triển khai thủ tục thẩm định, trình phê duyệt cần được thực hiện theo các quy định của mỗi luật và văn bản hướng dẫn khác nhau...

 

Tác giả: Diệp Chi

Nguồn tin: baodienbienphu.info.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây