Chị Nguyễn Thị T. (TP. Điện Biên Phủ), thấy có người lạ gửi lời mời kết bạn qua facebook, chị T. đã đồng ý và được tài khoản lạ nhắn tin với nội dung “đang chuyển về Việt Nam cho chị một gói quà”. Ngay sau đó, chị T. nhận được điện thoại của một người tự xưng nhân viên hải quan yêu và cầu chuyển số tiền 24 triệu đồng để nhận hàng. Tin tưởng, nên chị đã chuyển tiền cho các đối tượng theo số tài khoản cung cấp. Tổng số tiền chị T. đã chuyển cho các đối tượng lên đến hơn 500 triệu đồng. Thấy nghi ngờ, chị gọi điện lại nhưng không liên lạc được, đã trình báo cơ quan công an. Qua điều tra, xác minh, cơ quan công an nhận định đây là vụ việc mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia; việc giao dịch được thực hiên qua nhiều tài khoản khác nhau, các tài khoản ngân hàng không chính chủ; tài khoản mạng xã hội được xác định ở nước ngoài…
Đầu tháng 6 vừa qua, Phòng giao dịch Tuần Giáo, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Điện Biên đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua mạng với số tiền 1,08 tỷ đồng. Theo đó, chiều 13/6, ông N.T.L. (63 tuổi, thị trấn Tuần Giáo) đến Phòng giao dịch Tuần Giáo yêu cầu tất toán trước hạn 4 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 1,08 tỷ đồng, sau đó yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền sang một tài khoản ở ngân hàng khác. Nhận thấy sự việc có điểm đáng ngờ, cán bộ ngân hàng đã trao đổi, trò chuyện, từ đó biết được ông N. T. L. đang bị một đối tượng xưng là công an gọi điện video qua zalo thông báo ông L. đang vướng vào một vụ án ma túy. Nếu không chuyển tiền, đối tượng đe dọa sẽ tới nhà thực hiện lệnh bắt giam 6 năm tù. Xác định đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cán bộ Phòng giao dịch Tuần Giáo đã giải thích và đề nghị khách hàng không thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng. Đây là hình thức lừa đảo qua mạng quen thuộc được tuyên truyền nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuy nhiên do khách hàng lớn tuổi, nhẹ dạ cả tin nên đã nghe theo lời đối tượng đe dọa.
Phòng giao dịch Tuần Giáo, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Điện Biên đã ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua mạng với số tiền 1,08 tỷ đồng (Ảnh NHCC)
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc điển hình về lừa đảo trên không gian mạng diễn ra trong thời gian qua. Công an tỉnh, thời gian qua hoạt động tội phạm công nghệ cao có dấu hiệu diễn biến phức tạp, khó lường với thủ đoạn đa dạng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh… Để nâng cao ý thức, cảnh giác của người dân trước tội phạm công nghệ cao, thời gian qua Công an tỉnh tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; kịp thời phát hiện, xử lý các đường dây, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn (nhất là phương thức, thủ đoạn mới) của tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng để tuyên truyền rộng rãi.
Trong đó, những phương thức, thủ đoạn các đối tượng hay sử dụng là: Lừa đảo chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại; lừa đảo vay tiền qua các ứng dụng; giả mạo tài khoản zalo, facebook để lừa đảo; vay tiền online; giả mạo tài khoản mạng xã hội của lãnh đạo; mời chào tham gia mua các gói đầu tư vào các dự án tài chính, ngân hàng, đầu tư tiền ảo trên mạng với cam kết sinh lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, gần đây nhất xuất hiện đối tượng tội phạm công nghệ cao, ngày càng tinh vi hơn, đó là sử dụng Deepfake AI (phần mềm ghép mặt và giọng nói) giống hệt người quen của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo. Cách thức này được dùng để lừa những người dùng cảnh giác, họ cẩn thận gọi video qua facebook, zalo kiểm chứng và… sập bẫy.
Cùng đó, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; đề nghị các nhà mạng thường xuyên nhắn tin thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến các thuê bao điện thoại. Đồng thời, cần có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác quản lý số điện thoại chính danh, xóa bỏ các thuê bao “rác”. Chú trọng kiểm tra đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng internet trên địa bàn tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc đăng ký, quản lý thuê bao di động trả trước và thuê bao internet. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các cơ sở, đại lý sim card cung cấp sim rác ra thị trường, đăng ký thông tin thuê bao di dộng, internet không chính chủ. Sở Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với thuê bao mạng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận gần 100 tin báo tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó còn rất nhiều nạn nhân do nhiều lý do không tố giác, không hợp tác nên cơ quan điều tra chưa thống kê được. Tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống Nhân dân và tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao không chỉ riêng của lực lượng công an mà cần có sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương và người dân. Trong đó, người dân cần nâng cao cảnh giác, không công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc thông tin và giới hạn người xem. Đồng thời, cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội. Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế; tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai. Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết…/.