Nâng cao nhận thức phòng, chống mua bán người

Thứ sáu - 22/12/2023 03:44
DIC - Những năm qua, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán vẫn còn diễn ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đây là vấn đề nhức nhối được các cấp, ngành quan tâm. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ mua bán người, đảm bảo an ninh trật tự, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Hiện nay, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người là đến địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, lợi dụng trình độ dân trí hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn lừa gạt người dân thông qua những lý do như: Giúp tìm việc làm; rủ đi làm ăn, buôn bán… Ðặc biệt, thông qua mạng xã hội facebook, zalo làm quen, giả vờ yêu đương, rủ rê các cô gái nhẹ dạ, cả tin, hứa hẹn tìm việc ở bên kia biên giới với mức thu nhập cao, nhưng thực chất là bán sâu vào nội địa, ép làm gái mại dâm hoặc môi giới lấy chồng bất hợp pháp.


Hội LHPN xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) phối hợp với Công an xã tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và phòng, chống mua bán người cho hội viên phụ nữ bản Hua Sa A (Ảnh: Đức Trung)
Với vai trò của mình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp tích cực tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua, bán người.
Tranh thủ buổi tối, hội viên phụ nữ có mặt tại nhà đầy đủ, Chi hội Phụ nữ bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) tổ chức họp định kỳ. Buổi họp hôm nay có điều đặc biệt hơn, đó là có sự tham gia của Chủ tịch Hội LHPN xã cùng các đồng chí công an xã lồng ghép trò chuyện, tuyên truyền tới hội viên về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và phòng, chống mua bán người. Chị Vàng Thị Sua, Chủ tịch Hội LHPN xã Tỏa Tình cho biết: Mặc dù địa bàn chưa ghi nhận trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua, bán người, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi lẽ 100% hội viên là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức, hiểu biết xã hội không nhiều, trong khi mạng xã hội ngày càng phát triển, các thủ đoạn làm quen, dụ dỗ, rủ rê qua mạng hoặc trực tiếp tiếp cận nhằm lừa đảo, đưa người ra khỏi địa bàn với mục đích xấu ngày càng tinh vi. Vì thế, hàng tháng, chúng tôi phối hợp với Công an xã đi từng bản tuyên truyền lồng ghép, nhấn mạnh các dấu hiệu nhận biết, cảnh giác phòng ngừa bằng những câu chuyện, ví dụ cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ tới chị em.
Phối hợp tuyên truyền về mua bán người là hoạt động thường xuyên được hội phụ nữ các cấp chủ động triển khai, không chỉ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới mà khắp các địa bàn. Các cấp hội tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác phòng chống mua bán người; hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7”; tuyên truyền, phổ biến hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (tổng đài 111), kênh tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình tư tưởng phụ nữ và dư luận xã hội của Hội LHPN tỉnh qua số điện thoại 02153.828.481 tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 50 buổi truyền thông tại hộ gia đình, tổ, nhóm, và nhiều buổi truyền thông tại phiên chợ cho hơn 4.600 lượt người. Từ đó nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt ở địa bàn trọng điểm, phức tạp về mua bán người. Bên cạnh đó, các cấp hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục thành lập mới, duy trì, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả các câu lạc bộ, mô hình về phòng, chống mua bán người tại huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa Chùa. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng 31 mô hình, câu lạc bộ, gần 1.300 thành viên. Bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Việc thành lập và duy trì các mô hình, câu lạc bộ tại các địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người. Thông qua các hoạt đông của mô hình, câu lạc bộ giúp chị em nhận diện được nguy cơ và hành vi phạm tội mua, bán người, nêu cao ý thức cộng đồng tham gia phát hiện, đề phòng.
Là địa bàn miền núi, biên giới, huyện Nậm Pồ chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh trật tự, Công an huyện Nậm Pồ đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người. Từ năm 2019 đến nay, Công an huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 360 buổi tuyên truyền về phòng chống mua bán người, thu hút gần 20.000 lượt người tham gia, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ, người thiếu hiểu biết ở  các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nâng cao nhận thức, ý thức trong nhân dân. Bên cạnh đó, Công an huyện phối hợp các tổ chức chính trị xã hội duy trì hoạt động các mô hình “Nâng cao nhận thức phòng, chống mua bán người” tại các xã: Vàng Ðán, Nà Bủng, Na Cô Sa và xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản, bản bình yên” và 3 tổ tự quản tham gia mô hình “Ðiểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự” để tuyên truyền, phổ biến cho các thành viên.
Song song với các biện pháp phòng ngừa xã hội, lực lượng Công an huyện Nậm Pồ chú trong triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ. Thống kê từ năm 2019 đến hết năm 2022, Công an huyện Nậm Pồ đã phát hiện khởi tố 3 vụ, 5 bị can về hành vi mua bán người. Nạn nhân là 3 phụ nữ đã bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc để lấy chồng (2 nạn nhân đã may mắn trốn thoát về Việt Nam, 1 nạn nhân được trao trả). Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Nậm Pồ không ghi nhận vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người.
Nhận định trong thời gian tới, hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống mua bán người. Để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, cấp ủy, chính quyền các cấp vừa tuyên truyền, phòng ngừa, vừa tiếp tục tích cực triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động tới toàn thể cán bộ, người dân trên địa bàn, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao hiểu biết xã hội cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người./.
                                                         

Tác giả: Bai : Quỳnh Lâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây