Chú trọng thực hiện tiêu chí thông tin và truyền thông

Thứ ba - 05/12/2023 02:20
DIC - Thông tin và truyền thông là tiêu chí số 8 trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí đánh giá xác định xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt chuẩn tiêu chí này các xã phải đáp ứng 4 điều kiện, gồm: Có điểm phục vụ bưu chính; dịch vụ viễn thông, internet; Đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, bản; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Là cơ quan được giao phụ trách tiêu chí này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tiêu chí này, góp phần sớm đưa các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để nâng cao chất lượng tiêu chí số 8, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo; đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, triển khai thực hiện tiêu chí có hiệu quả. Bên cạnh đó, ngoài sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại cơ sở. Hằng năm, tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, cán bộ công tác tại bộ phận một cửa về sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 902 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS). Tổng số thuê bao di động đạt hơn 560.000 thuê bao (đạt 84 thuê bao/100 dân). Sóng thông tin di động (3G, 4G) đã được phủ đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 94,5% khu vực có dân cư sinh sống. Toàn tỉnh có 510 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.350km. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang kết nối đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,5% cấp thôn/bản; 129/129 xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định ước đạt gần 62.000 thuê bao (đạt tỷ lệ 44,5% hộ gia đình có kết nối internet).
Điểm phục vụ bưu chính tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé.  (Ảnh: Văn Tâm)
Cùng đó, toàn tỉnh có 182 điểm phục vụ (4 bưu cục cấp I, 11 bưu cục cấp II, 51 bưu cục cấp III, 1 bưu cục KT1, 1 bưu cục khách hàng lớn); bán kính phục vụ bình quân đạt 4,12 km/điểm; số dân phục vụ bình quân đạt 3.532 người/điểm. Mạng vận chuyển bưu chính gồm 96 tuyến đường thư (có 7 tuyến đường thư cấp I, 11 tuyến cấp II, 78 tuyến cấp III); 115/115 xã có điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó: 74/115 (tỷ lệ 64%) điểm bưu điện văn hoá đa dịch vụ, 79/115 (tỷ lệ 69%) điểm bưu điện văn hoá xã xây dựng kiên cố; 98/115 điểm kết nối internet công cộng; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính đạt tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; 98 xã có báo đến trong ngày. Ước 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã có 96/115 xã đạt chỉ tiêu xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, bản đạt 83,5%; có 49/115 xã đạt chỉ tiêu xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 29/115 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, đạt tỷ lệ 25,2%.
Việc thực hiện tiêu chí số 8 đã tạo điều kiện để người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hỗ trợ hoặc thay thế phương thức làm việc truyền thống giữa người dân, doanh nghiệp với UBND các cấp đã rút ngắn thời gian và chi phí của việc thực hiện dịch vụ công, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Điển hình, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên; thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hoá để đầu tư mua sắm, lắp đặt trang thiết bị Đài truyền thanh và hệ thống loa đến các khu dân cư. Đến nay, tất cả thôn, bản trên địa bàn xã đã được đầu tư các cụm loa. 100% cán bộ, công chức xã áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn. Xã cũng trang bị hệ thống máy tính, máy in kết nối mạng nội bộ, đồng thời sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, góp phần xử lý công việc thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Theo ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, thời điểm này, xã đã hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông. Việc thực hiện tiêu chí số 8 đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân trên địa bàn đã được cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích trên hệ thống loa truyền thanh và mạng internet để phòng, chống dịch bệnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành để hỗ trợ phương thức làm việc truyền thống đã rút ngắn được thời gian, chi phí thực hiện dịch vụ công, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có 112/115 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, đạt 97,39%. Để nâng cao chất lượng thông tin và truyền thông, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các phương thức thông tin tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Huy động, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông truyền thông tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước ở cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử; tập trung giám sát việc thực hiện các chương trình ở cơ sở, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất được trang bị nhằm thu hẹp khoảng cách về thông tin giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh./.

 

Tác giả: Bài:Văn Tâm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây