DIC - Qua công tác giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, ghi nhận các bảng điện tử quảng cáo chạy LED của cá nhân, tổ chức trên một số địa bàn thuộc các địa phương trên cả nước bị thay đổi nội dung hiển thị. Điều này sẽ trở nên nguy hiểm và nghiêm trọng nếu bị lợi dụng để đăng tải, phát tán những nội dung xấu độc, xuyên tạc về chủ quyền, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ảnh do Cục An toàn thông tin- Bộ TT&TT cung cấp
Qua phân tích, điều tra các thông tin liên quan: Các bảng điện tử LED bị thay đổi nội dung thường là các bảng LED cũ hoặc bảng LED có xuất xứ không rõ nguồn gốc. Các bảng LED này có chung một đặc điểm là cho phép quản lý thông qua WIFI và thường sử dụng các mật khẩu WIFI mặc định dễ đoán như: 88888888, 11111111, 12345678,… Hiện nay cũng có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại cho phép chỉnh sửa nội dung bảng điện tử LED ngay trên thiết bị di động, phổ biến nhất là “Led Art”. Chỉ cần kết nối vào WIFI của bảng LED sau đó truy cập vào ứng dụng là có thể chỉnh sửa được nội dung trên bảng điện tử LED. Ngoài ra trên các nền tảng mạng xã hội như tiktok, facebook,… cũng được chia sẻ rộng rãi cách thức thực hiện hành vi này. Các bạn trẻ coi đây là chiến tích để khoe khoang dẫn đến nhiều bạn học và làm theo gây ra tình trạng nhiều nơi trên cả nước đều xuất hiện hành vi này
Nhằm ngăn chặn, xử lý sớm tình trạng trên, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị Quý đơn vị thực hiện: Rà soát toàn bộ bảng điện tử chạy LED thuộc phạm vi quản lý để phát hiện và xóa bỏ nội dung quảng cáo không phù hợp, có biện pháp xử lý triệt để (Kiểm tra, rà soát lại mật khẩu WIFI của bảng điện tử đang sử dụng, thay đổi thành mật khẩu khác có tính phức tạp và khó đoán hơn; Mật khẩu cần có nhiều hơn 8 ký tự bao gồm cả chữ và số ký tự đặc biệt; Thực hiện tắt WIFI trên thiết bị nếu chỉ quản trị qua kết nối có dây, ngăn chặn không để tái diễn tình trạng bị đăng tải nội dung không phù hợp) Tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; đồng thời thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ.
Trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, điện thoại: 02432091616, thư điện tử: ais@mic.gov.vn.