Nỗi lo khi hè về
Cũng như nhiều gia đình, khi kỳ nghỉ hè vừa mới bắt đầu, chị Đặng Thị Cúc, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) khá đau đầu trước bài toán cho con làm gì, chơi ở đâu, gửi con cho ai. Gia đình chị có 2 con trai, cháu đầu 12 tuổi, cháu thứ hai 6 tuổi. Vì vậy nghỉ hè các cháu chủ yếu ở nhà đọc sách, xem ti vi. Đây cũng trở thành nỗi băn khoăn của gia đình. Bởi theo chị Cúc, khi bố mẹ đi làm vắng nhà, các con ở nhà một mình thì chiếc điện thoại thông minh, ti vi sẽ trở thành người bạn của con suốt mùa hè, điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của các con.
“Khi bị cuốn hút và quá lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, chỉ được giải trí qua các phương tiện nghe nhìn làm trẻ nhỏ lười giao tiếp với mọi người, sống thu mình, khép kín. Không chỉ vậy, những cám dỗ trên mạng xã hội có thể khiến trẻ em không được an toàn trong chính ngôi nhà của mình” - chị Cúc chia sẻ.
Không chỉ ở khu vực thành phố, tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vấn đề đảm bảo cho trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn cũng là bài toán khó. Nguyên nhân được đưa ra như: Thiếu không gian vui chơi; nhiều phụ huynh phải đi làm ăn xa, không có thời gian, điều kiện quan tâm, quản lý con trẻ trong dịp hè; nhiều trẻ em chỉ “làm bạn” với núi rừng, sông suối khi hè về…
Trách nhiệm của toàn xã hội
Thực tế cho thấy, những năm gần đây ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Đó là chưa kể những nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích khác như điện giật, bỏng, ngã do leo trèo... trong thời gian trẻ em nghỉ hè. Bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em, các ngành chức năng đã lập danh sách bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương. Đồng thời, triển khai tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, giao lưu với nội dung bổ ích, hình thức phù hợp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Với mong muốn dành cho các em thiếu nhi một kỳ nghỉ hè bổ ích và ý nghĩa, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội các cấp trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn, Đội trực thuộc tổ chức triển khai hoạt động hè cho trẻ em đồng bộ, rộng khắp và phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm an toàn, thiết thực, hấp dẫn, hiệu quả.
Chị Kháng Mai Thu, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em vào dịp hè là điều rất quan trọng, cần sự vào cuộc của cả gia đình và xã hội. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích, nhất là phòng, chống đuối nước, điện giật... đến trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Để các em có một mùa hè thiết thực, ý nghĩa, ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương trong việc đầu tư, xây dựng những điểm vui chơi, tổ chức hoạt động bổ ích cho thiếu nhi thì các bậc phụ huynh cũng cần làm tốt công tác quản lý con em trong dịp hè; tránh để trẻ sa đà vào những trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh. Thay vì đặt mục tiêu cho con theo ý muốn của mình, hãy để trẻ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, có cơ hội được thực hiện đam mê, sở thích của mình. Các bậc phụ huynh có thể sắp xếp thời gian, tạo cơ hội giúp trẻ được thực hành kỹ năng sống, cùng trẻ khám phá các địa điểm mới, trải nghiệm hoạt động văn hóa địa phương vào dịp nghỉ hè. Phụ huynh cũng nên để trẻ được chọn lớp năng khiếu mà mình yêu thích, để có thể nghỉ ngơi, tìm hiểu về lĩnh vực mà mình đam mê. Cùng với đó, các bậc phụ huynh cũng nên cho con hoạt động rèn luyện ngay tại nhà, thông qua các công việc thường ngày, như nấu ăn, dọn nhà cửa và chú ý giám sát khi con sử dụng các thiết bị điện tử.
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn