Tiện đâu bỏ đấy
Hiện nay, trên các cánh đồng từ khu vực lòng chảo đến các huyện vùng cao, không khó để bắt gặp hình ảnh vỏ chai, bao bì thuốc BVTV được người dân vứt bừa bãi sau khi sử dụng. Mặc dù tại một số cánh đồng có bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.
Không khó để bắt gặp trên các cánh đồng, những vỏ chai, bao bì thuốc BVT cũ, bạc màu và nhiều loại mới qua sử dụng nằm xen lẫn trong rơm, cỏ trên bờ ruộng, dưới lòng kênh… Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nông dân phải dùng nhiều loại thuốc BVTV như: thuốc trừ ốc bươu vàng, thuốc trừ cỏ, các loại bệnh hại… song sử dụng xong thì tiện đâu vứt đấy.
Theo lý giải của người dân, do bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV ở khá xa nơi lấy nước phun thuốc, hoặc tại một số cánh đồng chưa có bể thu gom nên nhiều người sau khi sử dụng xong thuốc BVTV đều bỏ bao bì, chai lọ ngay chân ruộng.
Điện Biên là tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với hơn 120.350ha đất sản xuất, chủ yếu là cây lương thực có hạt (lúa, ngô) gần 80.000ha, còn lại diện tích các cây trồng khác. Vì vậy, hàng năm nhu cầu sử dụng thuốc BVTV rất lớn, trung bình 100 - 130 tấn/năm, chủ yếu là thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ ốc... Trong đó, vỏ thuốc BVTV chiếm khoảng 10% tổng lượng thuốc, như vậy có khoảng hơn 10 tấn vỏ bao bì được thải ra/năm. Vụ đông xuân 2023 – 2024, tính riêng trên cây lúa, toàn tỉnh sử dụng 26 tấn thuốc BVTV các loại.
Hồi chuông cảnh báo
Do nhiều người dân sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách) nên vẫn tồn dư thuốc BVTV trong bao bì, vỏ chai sau khi sử dụng. Hoạt chất này sẽ ngấm ra ngoài theo nước mưa hoặc kênh mương, ảnh hưởng đến môi trường nước, đất, không khí và tầng nước ngầm; tác động tiêu cực đến một số loài thủy sinh và sức khỏe con người. Tình trạng càng trở nên ô nhiễm nặng hơn và để lại hậu quả nặng nề nếu chôn lấp ở trên cao hay vứt bừa bãi nơi đầu nguồn nước. Trường hợp đem bao bì đốt không đúng quy trình an toàn, nguy cơ phát thải dioxins là rất lớn.
Cuối tháng 8/2023, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên đã tiếp nhận 20 trường hợp người dân bản Co Pục, xã Thanh Nưa nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau bụng kèm theo nôn và sốt. Qua quả kiểm tra, xét nghiệm cho thấy do người dân uống phải nguồn nước có chứa hoạt chất Diquat có trong thuốc COCHAY 200 - Chay 24h. Trước đó nhân viên bảo vệ Nhà máy Thủy điện Nậm Khẩu Hu có phun loại thuốc diệt cỏ này ở khu vực đầu nguồn nước mà các hộ dân này lấy về sử dụng. May mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nên không ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Lo ngại hơn là một số cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt vẫn buôn bán các loại thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép lưu hành tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2022, qua kiểm tra đối với chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV T.H.D. có địa chỉ tại xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo), lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở buôn bán loại thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam là cỏ cháy 2768L do Cty CP Vina Max Thụy Sĩ phân phối, hoạt chất Paraquat ion 200g/l; hướng dẫn sử dụng trừ cỏ dại trên đất không trồng trọt. Sản phẩm dạng chai nhựa 150ml/chai; số lượng 86 chai; không ghi ngày sản xuất và số lô, hạn sử dụng 24 tháng.
Bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm các chất thải nguy hại, nếu không được tiêu hủy đúng quy trình sẽ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người; thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Trong khi tại Điện Biên, từ trước đến nay, vỏ bao bì thuốc BVTV vẫn chủ yếu xả ra môi trường hoặc được xử lý bằng hình thức thu gom, chôn lấp, đốt. Đây là biện pháp xử lý không triệt để, bởi khi chôn lấp, bao bì thuốc BVTV phải mất rất nhiều năm mới tiêu hủy hết. Trong quá trình này, lượng thuốc còn lại sẽ ngấm xuống nguồn nước ngầm, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.
Cần giải pháp triệt để
Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải thuốc BVTV, những năm qua, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: Xây dựng các bể thu gom vỏ bao thuốc BVTV. Tuy nhiên, số lượng bể chiếm tỷ lệ rất thấp. Nơi có lại không đúng quy cách theo quy định như: Không có nắp đậy; nước ngấm ra ngoài khi có mưa. Bên cạnh đó, các bể chứa xây dựng không theo quy chuẩn nào dẫn đến tình trạng có nhiều địa phương xây bể không đảm bảo yêu cầu thu gom xử lý đối với chất thải độc hại.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng thì cứ 3ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV phải ít nhất có 1 bể thu gom bao bì. Tuy nhiên thực tế trên địa bàn tỉnh khó thực hiện. Hiện toàn tỉnh mới có 735 bể chứa bao thuốc BVTV; chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Điện Biên (151 bể), Mường Chà (226 bể), Điện Biên Đông (244 bể)… Một số huyện như Nậm Pồ, Mường Chà chưa được đầu tư xây dựng.
Hay như huyện Tuần Giáo là một trong những huyện có diện tích lúa lớn (vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện gieo cấy 1.149ha, chưa bao gồm lúa nương) nhưng cả huyện mới chỉ có một bể thu gom vỏ thuốc BVTV. So với quy định thì với diện tích như trên phải có gần 400 bể thu gom thuốc BVTV mới đảm bảo.
Với số lượng bể chứa hiện nay thì không thể đáp ứng được việc thu gom hết số bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường hằng năm. Theo thống kê, năm 2023 toàn tỉnh xử lý được hơn 2,8 tấn vỏ bao thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Để kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, tháng 9/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4150/UBND-KTN, về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tới cộng đồng, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất sử dụng thuốc BVTV các quy định của pháp luật về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV. Thường xuyên giám sát các cơ sở buôn bán thuốc BVTV để không xảy ra việc nhập lậu, buôn bán, sử dụng các loại thuốc BVTV cấm sử dụng, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng đúng liều lượng, đảm bảo an toàn và các quy định khác của pháp luật trong sử dụng thuốc BVTV. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm liên quan hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV.
Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ vỏ bao thuốc BVTV, cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức của nông dân trong sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Bố trí kinh phí xây bể chứa, khu vực lưu chứa và thực hiện hợp đồng xử lý bao gói thuốc BVTV.
Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn