DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 13/10/2013 23:47
Ảnh minh họa nguồn internet
DIC - Văn bản QPPL của cấp Trung ương là căn cứ pháp lý để địa phương ban hành văn bản triển khai thực hiện. Do đó, các văn bản này không chỉ phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ mà còn phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Tuy vậy, thực tế còn có văn bản QPPL quy định mâu thuẫn với văn bản khác và không phù hợp với thực tế nên đã gây không ít khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện.
Thực hiện Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới tiếp công dân, ngày 16.3.2012 Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch số 46/2012/TTLT-BTC-TTCP quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh. Theo quy định của Thông tư này thì có 4 nhóm đối tượng được hưởng các mức chi bồi dưỡng khác nhau, mức chi luôn gắn với đối tượng cụ thể. Thế nhưng, tại Điều 6 của Thông tư giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) quy định cụ thể các đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng, còn mức chi cụ thể lại giao cho HĐND cấp tỉnh quy định. Văn bản quy định các đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng là loại văn bản QPPL, trong khi đó theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, nếu UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng thì không đúng quy định của Thông tư này, nhưng nếu giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành văn bản thì không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.Theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thì việc quyết định tổng biên chế sự nghiệp (biên chế viên chức) của địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Thế nhưng, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 8.5.2012 về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập đã quy định, trước khi HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, UBND cấp tỉnh phải xây dựng đề án vị trí việc làm trình Bộ Nội vụ thẩm định tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương. Cũng theo Nghị định này thì Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định vị trí việc làm và hướng dẫn việc xây dựng đề án vị trí việc làm. Thế nhưng, đến nay Bộ Nội vụ vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn nên các tỉnh, thành chưa xây dựng được đề án vị trí việc làm để trình Bộ Nội vụ thẩm định. Tại Công văn số 4181/BNV-TCCB ngày 15.11.2012 của Bộ Nội vụ gửi HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải thích, hiện nay UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng xong đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, Bộ Nội vụ chưa có cơ sở thẩm định biên chế viên chức, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giữ nguyên và quản lý chặt chẽ số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập mà Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt năm 2012 để làm kế hoạch của năm 2013 và khẩn trương xây dựng đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.Như vậy, với sự chỉ đạo này thì tại kỳ họp cuối năm 2012 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi quyết định về biên chế viên chức năm 2013 buộc phải giữ nguyên tổng số biên chế viên chức của năm 2012. Do nhu cầu biên chế tăng thêm, cần phải được bổ sung kịp thời, nhất là biên chế ngành giáo dục và ngành y tế nên tại kỳ họp cuối năm vừa qua HĐND một số tỉnh, thành phố đã quyết định tăng thêm biên chế viên chức cho địa phương. Đơn cử như, HĐND thành phố Hà Nội quyết định tăng 4.704 biên chế, HĐND tỉnh Quảng Bình quyết định tăng thêm 307 biên chế, HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định tăng thêm 112 biên chế,...Việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc quản lý biên chế viên chức của các địa phương là cần thiết, tuy nhiên với nhân lực của mình, trong khoảng thời gian từ 20.7 (hạn cuối mà các bộ, ngành, địa phương gửi kế hoạch biên chế và đề án việc làm) đến đầu tháng 12 hàng năm (thời điểm tổ chức kỳ họp cuối năm của HĐND các tỉnh, thành phố), Bộ Nội vụ khó có thể thực hiện kịp thời việc thẩm định biên chế công chức và viên chức của 63 tỉnh, thành phố để HĐND cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức, viên chức cho năm tiếp theo của địa phương. Từ thực tế này, để tạo điều kiện cho địa phương trong việc quyết định biên chế, kịp thời phục vụ nhu cầu thực tiễn, thiết nghĩ nên giao cho HĐND cấp tỉnh thẩm quyền quyết định biên chế viên chức, thay vì thực hiện việc thẩm định (tiền kiểm) Bộ Nội vụ chỉ cần thực hiện thanh tra, kiểm tra (hậu kiểm) đối với việc quyết định biên chế của địa phương.