DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 02/12/2013 19:28
Thiếu kinh phí là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều cơ quan Nhà nước chậm tiến độ triển khai ứng dụng CNTT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Điểm mặt những khó khăn thường gặp trong hoạt động ứng dụng CNTT ở cơ quan Nhà nước, thách thức hàng đầu vẫn là thiếu vốn, nhân lực chuyên trách CNTT, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo và sự quan tâm của cán bộ công viên chức.
Không tiền, khó triển khai ứng dụngChương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với kinh phí dự kiến từ ngân sách là 1.700 tỷ đồng cho 56 dự án ứng dụng CNTT của các Bộ, ngành, trong đó, mỗi dự án nhỏ cũng cần có tổng mức đầu tư 30 - 50 tỷ đồng, trung bình 100 - 300 tỷ đồng, cá biệt có một số dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế, kinh phí được cấp chỉ “nhỏ giọt” ở mức hơn 100 tỷ đồng/năm.Mới đây, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 năm 2013 Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, ông Phùng Văn Ổn - Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ cho biết mức vốn đầu tư ngân sách bố trí cho Chương trình Quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước 2 năm 2014 - 2015 tiếp tục chỉ được "rót" hơn 200 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT: "Kinh phí Trung ương cấp quá khiêm tốn so với nhu cầu. Việc bố trí kinh phí trên thực tế đến nay chỉ đáp ứng dưới 1/10 nhu cầu vốn".Thiếu kinh phí cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều hoạt động ứng dụng CNTT lâm vào cảnh "không bột khó gột nên hồ". Đáng chú ý, nhiều dự án thuộc diện cấp thiết như đầu tư đảm bảo an toàn an ninh vẫn đang phải tạm "bỏ lửng", các hệ thống an toàn, an ninh thông tin chủ yếu được cài đặt riêng lẻ, chưa được triển khai đồng bộ, khả năng phòng chống virus, bảo mật chưa cao.Báo cáo Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước năm 2012 do Cục Ứng dụng CNTT công bố tháng 7/2013 cho thấy việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hạ tầng ứng dụng CNTT năm 2012 của các cơ quan Nhà nước có sự sụt giảm so với trước, chẳng hạn tỷ lệ trung bình máy tính của các Bộ, ngành được trang bị công cụ bảo đảm an toàn an ninh giảm 20,7% so với năm 2011. Một số Bộ, cơ quan ngang Bộ có tỷ lệ máy tính được trang bị công cụ bảo đảm an toàn an ninh thấp tới mức đáng giật mình bao gồm: Bộ Tư pháp - 7,7%, Ủy ban Dân tộc - 10,5%, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch - 11%, Bộ Khoa học & Công nghệ - 26,9%…Lo ngại vấn đề mất an toàn an ninh lại trở thành nguyên nhân khiến các cơ quan Nhà nước dè dặt trong việc triển khai một số ứng dụng CNTT khác như việc trao đổi văn bản điện tử và thư điện tử.Để giảm áp lực nguồn vốn, có ý kiến đề xuất các cơ quan Nhà nước nên quan tâm tới hướng hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư các hệ thống CNTT. Song không phải cơ quan Nhà nước nào cũng sẵn sàng bỏ công sức nghiên cứu và tiên phong áp dụng phương thức đầu tư mới này.Nhân lực vừa thiếu vừa yếuTheo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2013, mới có khoảng 61,67% đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có cán bộ chuyên trách về CNTT, trung bình mỗi đơn vị này chỉ có 2,69 cán bộ chuyên trách về CNTT; với các đơn vị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ đơn vị có cán bộ chuyên trách về CNTT đạt 82,45% nhưng tính trung bình số cán bộ chuyên trách về CNTT tại mỗi đơn vị chỉ đạt 2,19 người; và với UBND cấp quận, huyện thì trung bình mỗi đơn vị chỉ có 1,91 cán bộ chuyên trách về CNTT.Với số lượng cán bộ chuyên trách CNTT ít ỏi như vậy, các cơ quan Nhà nước khó có thể triển khai hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT, nhất là các đơn vị ở địa phương vừa phải triển khai ứng dụng CNTT ngành dọc do Trung ương triển khai như ứng dụng về Thuế, Hải quan, Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch & Đầu tư,... vừa phải triển khai ứng dụng nội bộ tại địa phương mình.Không chỉ thiếu về số lượng mà đội ngũ nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước còn chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Ngay ở Hà Nội, theo Báo cáo Xếp hạng Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước Thành phố Hà Nội năm 2012, ở khối xã, phường, thị trấn, chỉ 22,6% số đơn vị có nhân lực đạt chất lượng từ trung bình trở lên. Kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ công chức khối phường, xã đa số ở mức yếu.Một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan Nhà nước thiếu hụt cán bộ chuyên trách CNTT là không có cơ chế ưu đãi riêng cho đội ngũ nhân lực này. Chẳng hạn, tại Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Chế Viết Sơn phản ánh thực trạng có tới 55% cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng bị xếp hạng yếu về nguồn nhân lực CNTT. Nhiều cán bộ CNTT có trình độ cao đã dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân.Một số cơ quan Nhà nước đã linh hoạt tìm cách "tự giải cứu" về nhu cầu duy trì và bổ sung đội ngũ nhân lực. Điển hình như mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quy định áp dụng mức hỗ trợ hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về CNTT, viễn thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Hà Nội từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Song vẫn còn không ít cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ở các địa phương chưa chủ động, linh hoạt trong việc tìm giải pháp gỡ khó về nhân lực.Liên quan tới câu chuyện nhân lực, còn một vấn đề đáng chú ý khác là sự thiếu hụt lãnh đạo điện tử. Chính phủ và một số Bộ, ngành đã chú trọng xây dựng đội ngũ công dân điện tử (e-citizen), cán bộ công chức điện tử, song chưa có văn bản nào đề cập tới khái niệm lãnh đạo điện tử.Chưa được nhìn nhận đúng về vai trò và tầm quan trọngTất cả những khó khăn kể trên đều có thể sớm tìm được hướng khắc phục nếu như CNTT được nhìn nhận đúng mức về vai trò cũng như tầm quan trọng của mình. Thế nhưng, vẫn còn một số bộ phận lãnh đạo chưa quan tâm chỉ đạo sát sao hoạt động triển khai ứng dụng CNTT, lúng túng trong việc tham mưu xây dựng, triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước. Đây chính là một trong những nhân tố chính khiến cho nhiều dự án ứng dụng CNTT bị "gạt" khỏi danh sách dự án được cấp vốn đầu tư với lý do không quan trọng bằng nhiều dự án kinh tế - xã hội khác; hoặc nhiều dự án ứng dụng CNTT do Trung ương triển khai chồng chéo, trùng lặp với dự án tương tự ở địa phương, gây lãng phí...Ngoài ra, hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước vẫn phải "đối mặt" với hiện trạng còn không ít cán bộ, công chức ngại ứng dụng CNTT vì không muốn thay đổi thói quen cũng như e ngại bị ảnh hưởng về lợi ích cá nhân.