DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 01/10/2013 05:39
DIC - Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó, tập trung vào các nội dung cơ bản như: cải cách thể chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Tỉnh ta hiện có 14/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện cơ chế "một cửa" (đạt 73,68%); cấp huyện có 9/10 đơn vị đã thực hiện (huyện Nậm Pồ mới thành lập nên chưa thực hiện); toàn tỉnh có 38 xã, phường đã thực hiện “một cửa” (đạt 33,93%). Hiện có 6 địa phương gồm: T.P Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên, Điện Biên Đông và huyện Tuần Giáo thực hiện “một cửa liên thông”. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai cơ chế "một cửa liên thông" trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở mức: liên thông giữa các cơ quan cùng cấp mà chưa thể triển khai được giữa các cơ quan khác cấp. Đây là một trong những nội dung còn hạn chế trong thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trên địa bàn.Để cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung làm tốt công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" nói riêng. Từ khi xây dựng đề án cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan, đơn vị đã chủ động lựa chọn, điều động và bố trí cán bộ, công chức đảm bảo các yếu tố: có sức khỏe, có trình độ lý luận chính trị, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ ở một số lĩnh vực, đặc biệt là trình độ diễn thuyết tốt. Điển hình ở lĩnh vực này là UBND T.P Điện Biên Phủ và UBND huyện Điện Biên. Mỗi năm, UBND T.P Điện Biên Phủ cử hàng chục lượt cán bộ, công chức bộ phận "một cửa" đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức 2 - 3 đoàn tham quan, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong và ngoài tỉnh.Hiện nay, toàn tỉnh có 224 cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” (cấp sở 25 người, cấp huyện 23 người và cấp xã 176 người). Hầu hết cán bộ, công chức công tác tại bộ phận "một cửa" có trình độ cao đẳng, đại học. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức bộ phận "một cửa", UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực như: sách nhiễu, nhận hối lộ trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Cùng với nâng cao chất lượng nhân lực, các cơ quan, đơn vị còn triển khai xây mới, sửa chữa, nâng cấp phòng làm việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc của bộ phận "một cửa" đảm bảo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế, đến nay, toàn tỉnh mới có 3/4 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện cơ chế “một cửa” có cơ sở vật chất đảm bảo theo quy định; 6/9 đơn vị cấp huyện đưa mô hình "một cửa liên thông" vào hoạt động có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định.Là đơn vị tiêu biểu trong việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ cải cách thủ tục hành chính, năm 2007, UBND thành phố Điện Biên Phủ triển khai gói thầu đầu tư cải tạo, nâng cấp bộ phận giao dịch "một cửa" tại trụ sở UBND thành phố, đảm bảo thông thoáng, tiện lợi cho việc giải quyết công việc và nơi công dân ngồi đợi giao dịch. Việc UBND thành phố ra quyết định ban hành các văn bản, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 đã góp phần quan trọng rút gọn các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa". Năm 2010, UBND thành phố trang bị cho bộ phận "một cửa" hệ thống camera giám sát, màn hình cảm ứng, thiết bị soi mã số, mã vạch, máy xếp hàng tự động, hệ thống máy tính đồng bộ, hiện đại kết nối với trung tâm điều hành máy chủ UBND thành phố. Những trang thiết bị điện tử hiện đại này đã góp phần hạn chế tình trạng vi phạm quy trình giải quyết hồ sơ và hoàn trả hồ sơ đúng hẹn. Qua đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn đạt 98%.Ông Hoàng Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), các thủ tục hành chính về quy trình, thời gian, mẫu đơn, mẫu tờ khai và lệ phí được niêm yết công khai, rõ ràng tại bộ phận "một cửa". Qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu rõ các thủ tục cần thiết phải thực hiện, giảm phiền hà, chi phí cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Hầu hết các hồ sơ giải quyết theo cơ chế "một cửa" được bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận, thẩm định ban đầu trước khi chuyển cho bộ phận chuyên môn nên đã hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ trễ hẹn, tồn đọng.Để thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai cơ chế "một cửa liên thông" thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ theo đúng quy trình do UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, việc thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" ở cấp xã trên lĩnh vực hộ tịch - hộ khẩu; địa chính - xây dựng; thương binh - xã hội; văn hóa - thống kê; ở cấp huyện trên các lĩnh vực: tài nguyên - môi trường; đầu tư - xây dựng; tài chính - kế hoạch... đã phát huy hiệu quả tích cực, tính ưu việt, tính phục vụ của cơ chế được các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. 6 tháng đầu năm 2013, bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông" các cấp trong tỉnh tiếp nhận 50.320 hồ sơ. Các cơ quan chức năng đã giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đúng quy định trên 90% số hồ sơ tiếp nhận, còn lại là những hồ sơ không hợp lệ, hoặc có lý do lui thời hạn giải quyết.