DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 05/01/2025 21:31
ĐBP - Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Quá trình chuyển đổi số đã tạo ra những đột phá trong công tác quản lý, hoạt động sản xất kinh doanh, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí cho các đơn vị, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngày 1/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, về chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 3 năm triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những kết quả nổi bật là đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (IOC Điện Biên). Trung tâm có chức năng thu thập, phân tích và xử lý cơ sở dữ liệu của từng ngành, lĩnh vực để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Cụ thể, đưa vào khai thác sử dụng Hệ thống camera giám sát, xử phạt giao thông thông minh đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân trên địa bàn tỉnh; kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Việc cài đặt, đăng ký sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart, với phần mềm phản ánh hiện trường giúp người dân trên địa bàn tỉnh gửi phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền các cấp. Toàn bộ hình ảnh, video hiện trường sẽ được IOC ghi nhận, xác minh mức độ cảnh báo và chuyển về các cơ quan chức năng xử lý. Đặc biệt Trung tâm có thể giám sát, phân tích dữ liệu để kịp thời báo cáo cho các cấp lãnh đạo xử lý các tình huống ngay tại cơ sở của địa bàn vùng cao, vùng xa như: Mường Nhé, Tủa Chùa... Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) cho biết: “Thông qua ứng dụng Điện Biên Smart tôi đã chụp ảnh phản ánh hiện trường về tình trạng bày bán hàng rong trên vỉa hè gửi lên các cơ quan chức năng. Tôi thấy có hiệu quả bởi sau đó cơ quan chức năng huyện đã ra quân dẹp các địa điểm bán hàng rong trên vỉa hè và đặt biển báo cấm bán hàng”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 72.320 tài khoản đăng ký sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart; tỷ lệ cài đặt trung bình trên số lượng thuê bao điện thoại di động toàn tỉnh đạt 11,35%. Trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có 266 phản ánh hiện trường của công dân được chuyển đến cơ quan chức năng, trong đó 191/265 phản ánh được giải quyết (đạt 72%). Cùng với việc triển khai các ứng dụng của IOC tỉnh, cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng số được quan tâm đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 981 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động BTS (tăng 156 trạm so với năm 2021); trong đó 950 vị trí có phủ sóng 4G (tăng 300 vị trí so với năm 2021). Hạ tầng truyền dẫn cáp quang đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88,6% số thôn bản. Xã hội số được quan tâm, tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 70%; 50% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua internet banking, Mobile banking, Mobile Money. Chị Đoàn Thị Thu, người dân phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin mà nhiều công việc thuận tiện hơn trước rất nhiều. Như việc nộp hồ sơ, thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến; đặc biệt việc thanh toán tiền điện, nước, nộp học phí cho các con chỉ cần chuyển khoản, rất thuận tiện”. Việc tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP được chính quyền các cấp, ngành chức năng quan tâm. Đến nay, đã hỗ trợ đưa hơn 400 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử uy tín như: Shopee, Lazada, Sendo; hỗ trợ tham gia gian hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử; sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Là một trong những ngành đi đầu trong việc chuyển đổi số, những năm qua, ngành Y tế đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ nhân dân. Việc triển khai khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VNeID và mã định danh cá nhân giúp giảm thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính cho người khám, chữa bệnh. Toàn tỉnh đã trang bị đầu quét mã QR-code trên CCCD cho 139 cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến xã với tổng số 173 thiết bị. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh; phần mềm quản lý tiêm chủng; phần mềm giám định bảo hiểm y tế... đảm bảo thống nhất liên thông đồng bộ kết nối dữ liệu với Sở Y tế, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội. Triển khai thực hiện các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế tạo thuận lợi cho người dân trong việc thanh toán viện phí nhanh gọn, công khai minh bạch.