Chuyển đổi số là một yêu cầu tất yếu khách quan và ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài; là giải pháp đột phá, cơ hội bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, nhận thức về chuyển đổi số ở tỉnh ta đã có những chuyển biến vượt bậc, lan toả đến mọi mặt của đời sống xã hội; người dân ngày càng được thụ hưởng nhiều dịch vụ số. Việc luôn luôn triển khai hoàn thiện hạ tầng, nền tảng số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và dịch vụ đô thị thông minh đã giúp cho các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố có cách nhìn mới, hướng đi mới.
BBT: Với vai trò cơ quan Thường trực về công tác Chuyển đổi số của tỉnh, xin đồng chí chia sẻ kết quả phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và Chuyển đổi trong lĩnh vực ưu tiên sau 03 năm thực Nghị quyết 13-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 - 2026. (Ảnh: Đức Huy)
Đồng chí Vũ Anh Dũng- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên: Ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực như: Phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số các lĩnh vực ưu tiên đã đạt được những kết quả nhất định.
Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt 98%. 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ và có tài khoản cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến một phần, toàn trình trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 100% xã, phường, thị trấn. Giải pháp họp không giấy cho các cuộc họp của HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện đã được hoàn thành. Việc triển khai nền tảng công nghệ thành phố thông minh (IOC), bao gồm: Cơ sở hạ tầng, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh; thiết bị và phần mềm họp không giấy tờ; phần mềm phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng; phần mềm quản lý Camera cho phép quản lý ghi hình, phát trực tiếp đồng thời nhiều Camera đã đi vào hoạt động.
Đ/c Vũ Anh Dũng - Giám đốc sở chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Điều hành thông tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Xuân Minh)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1.320 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký hoạt động; trong đó có 45 doanh nghiệp công nghệ số; trên 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số và thực hiện nộp thuế điện tử (đạt 98,9%). Thương mại điện tử tiếp tục được đẩy mạnh và được tuyên truyền, quảng bá trên mọi phương tiện truyền thông, nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm. Trên 400 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP.
Như mọi người đã biết, Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới; nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Song trong những năm qua, Ngành Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp triển khai, tuyên truyền đến từng địa bàn, từng ngõ xóm, thôn bản phổ biến và sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart, VneID và các tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, lý lịch tư pháp, kiến nghị phản ánh, lưu trú, tạm trú, tích hợp giấy tờ như thẻ Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe;...). Đến nay, 94,4% hộ gia đình đã được thông báo địa chỉ số. Tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 70% có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, Mobile Money,... Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông nghiệp) ngày một tăng.
BBT: Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật về Chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh?
Đồng chí Vũ Anh Dũng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Điện Biên: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên xác định và tập trung tham mưu huy động cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ nhiệm vụ chuyển đổi số; trong đó lựa chọn 6 lĩnh vực ưu tiên để tăng cường thực hiện làm hạt nhân gồm: Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; y tế; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông, vận tải và logistics; Thông tin và Truyền thông.
Về lĩnh vực du lịch, tỉnh đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên dùng về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Triển khai hình thức “Biên lai điện tử” tại các điểm di tích như: Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Tượng đài chiến thắng, Hầm Đờ cát, Hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển khai dùng thử phần mềm du lịch thông minh “Cổng du lịch thông minh tỉnh Điện Biên” để hình thành hệ sinh thái du lịch, tạo lợi ích tương hỗ giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp, qua đó hướng tới mục tiêu xây dựng ngành du lịch chất lượng cao.
Cán bộ công chức, viên chức cài đặt ứng dụng Điện Biên Smart, nắm bắt thông tin của tỉnh Điện Biên (Ảnh: Trung Kiên)
Trong lĩnh vực y tế, với 100% các trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh triển khai phần mềm ứng dụng chuyên khoa trong thực hiện chuyên môn như: Phần mềm quản lý tiêm chủng; phần mềm báo cáo chuyển tuyến; phần mềm đường dây nóng; phần mềm quản lý HIV; phần mềm quản lý các chương trình mục tiêu y tế; phần mềm giám định bảo hiểm y tế; phần mềm quản lý tiêm chủng COVID-19; phần mềm hệ thống quản lý điều trị Methadone... đảm bảo thống nhất liên thông đồng bộ kết nối dữ liệu với Sở Y tế, Bộ Y tế và BHXH. Tổ chức khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNeID và mã định danh cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian chờ đợi và các thủ tục hành chính cho người dân khi đi khám chữa bệnh và thanh toán nhanh gọn, công khai minh bạch
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh đã triển khai đồng bộ các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý từ Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT đến các nhà trường như: Cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành; hệ thống quản lý nhà trường; hồ sơ sổ sách điện tử; học bạ điện tử; kho học liệu số… 100% các cơ sở giáo dục đào tạo hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hoá dữ liệu số; 100% các nhà trường thực hiện dạy học STEM, STEAM và mang lại hiệu quả tích cực. 100% các khoản thu, chi trả chế độ chính sách cho học sinh được thực hiện theo phương thức không dùng tiền mặt thông qua phần mềm quản lý thanh toán thống nhất toàn tỉnh.
Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh đã triển khai thực hiện hệ thống quan trắc, thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ công tác ứng phó, phòng ngừa thiên tai; ứng dụng các phần mềm, công cụ và các thiết bị công nghệ vào thực hiện công việc giúp nâng cao tính chính xác, năng suất lao động và giảm bớt việc đi lại, công lao động, như: Phần mềm theo dõi diễn biến rừng FRM; công cụ Q5PFES trong xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; sử dụng flycam trong công tác giám sát, rà soát, xác định diện tích rừng; phần mềm quản lý công trình nước sạch nông thôn…
Trong công tác giao thông vận tải và logistics, tỉnh đã triển khai Cơ sở dữ liệu ngành giao thông vận tải phục vụ nhu cầu kết nối liên thông, chia sẻ thông tin dữ liệu với hệ thống CSDL quốc gia (cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới…). Triển khai phần mềm quản lý bến xe; 100% các phương tiện vận chuyển hành khách đều phát hành vé điện tử cho hành khách, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về bưu chính, viễn thông, báo chí, xuất bản, chuyển đổi số,... Thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí (Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Điện Biên); đổi mới hoạt động sản xuất tin bài, nâng cấp hệ thống trang thiết bị tác nghiệp, từng bước xây dựng tòa soạn hiện đại,...
BBT: Để tiếp tục thực hiện mục tiêu về Chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra, trong những năm tới tỉnh ta cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ như thế nào?
Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh và các văn bản liên quan để tham mưu tỉnh trong việc cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết và Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng, ưu tiên, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ:
- Tập trung phát triển hạ tầng viễn thông; hạ tầng IOT; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng cung cấp các công nghệ số; dịch vụ số. Triển khai thực chất, toàn diện công tác bảo đảm an toàn theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là lớp 2; giám sát đầy đủ cho 100% hệ thống thông tin của tỉnh. Sử dụng hiệu quả 03 nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai gồm: Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; nền tảng Điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia và nền tảng Hỗ trợ điều tra số để quản lý và thực thi bảo đảm an toàn thông tin.
- Tập trung phủ sóng các vùng lõm, vùng trắng theo quan điểm xác định hạ tầng là hạ tầng thiết yếu và phải được triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm và các hạ tầng kỹ thuật khác. Hạ tầng số phải đảm bảo phát triển nhanh, phát triển trước để phục vụ xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
- Tăng cường sử dụng Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh phục vụ quản lý, điều hành và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị.
- Hỗ trợ thúc đẩy công tác chuyển đổi số báo chí kịp thời thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách, công tác chuyển đổi số trên các kênh chương trình phát thanh, truyền hình; trên nền tảng số, mạng xã hội để dẫn dắt, định hướng dư luận theo phương châm “nhanh - ngắn - rộng”. Đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên môi trường mạng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống mọi âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; các phần tử cơ hội, phản cách mạng. Đồng thời đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ.
- Tập trung thúc đẩy 08 thành phần cơ bản của xã hội số, gồm: Mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang băng rộng; mỗi người dân trưởng thành có một điện thoại thông minh, một danh tính số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một chữ ký số cá nhân, một phần mềm bảo vệ an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản giúp người dân có thể tiếp cận, khai thác và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống.
- Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng tại địa phương để hướng dẫn người dân các kỹ năng số cơ bản cho người dân thực hiện chuyển đổi số, tiêu biểu như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến; tự bảo vệ mình trên không gian mạng; nền tảng VneID; cài đặt, sử dụng nền tảng số đặc thù của địa phương (ứng dụng Điện Biên Smart),...
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên: Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và logistics, Thông tin và Truyền thông.