Sẵn sàng tiếp nhận để bước vào kỷ nguyên số

Chủ nhật - 29/12/2024 21:22
ĐBP - Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài với 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo giúp người dân tham gia vào quá trình này. Cho đến nay, chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, không thể tách rời trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.

“Làn sóng” thanh toán không dùng tiền mặt 

“Mình không cầm nhiều tiền mặt trong người, vì sợ không an toàn. Việc chuyển khoản cũng rất thuận lợi, không cần phải giao dịch bằng tiền mặt” - đó là chia sẻ của chị Lường Thị Thoan, tiểu thương chợ trung tâm huyện Mường Ảng khi nói về những tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo chị Thoan, trước đây cũng như nhiều người dân, bản thân rất băn khoăn với việc thanh toán không dùng tiền mặt, vì không có tài khoản, ngại thay đổi thói quen, nhất là không biết có an toàn, tiện lợi hay không. Song, khi được tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn lập tài khoản, trang bị mã QR, kết nối với nhiều ngân hàng và các ví điện tử, thao tác thanh toán nhanh nên chị đã sử dụng và giờ đây đã thành thói quen hàng ngày.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen không chỉ ở thành thị mà còn phủ sóng đến tận thôn, bản huyện Mường Ảng. Đặc biệt, từ khi mô hình chợ 4.0 được triển khai với sự hỗ trợ cấp phát mã QR, phát wifi miễn phí từ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), hầu hết các chợ truyền thống ở vùng sâu, vùng xa huyện Mường Ảng nói riêng, toàn tỉnh nói chung cũng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt như một “làn sóng” trong chuyển đổi số đối với không chỉ người dân mà còn tiện ích với các doanh nghiệp. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ tháng 11/2021 với thông điệp “Thanh toán thông minh - lợi ích đồng hành” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, gia tăng trải nghiệm và dịch vụ cho khách hàng. Đây là chương trình áp dụng công nghệ mới nhất về thanh toán - xác thực - tích điểm nhanh gọn, thuận tiện và tự động hóa cao.

Ông Hoàng Anh Đạo, Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 3 (thuộc Công ty Xăng dầu Điện Biên) trên địa bàn phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường, từ đó giảm việc phải in ấn, phát hành, kiểm đếm và đảm bảo an toàn trong các giao dịch. Đặc biệt, hiện nay quy định bắt buộc xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán hàng, cùng với thanh toán không dùng tiền mặt sẽ hạn chế được rủi ro trong quản lý thuế. Quan trọng hơn, cũng sẽ giúp lãnh đạo đơn vị quản lý chi tiết xăng dầu sử dụng hàng ngày mà không phải thực hiện đối chiếu thủ công.

Hướng tới xã hội số

Năm 2024, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đồng bộ, toàn diện, đã tạo thuận lợi cho phát triển chính quyền số, kinh tế số, nhất là xã hội số.
 

Thực hiện lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh gần 94,4% hộ đã được thông báo địa chỉ số (tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023); tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 70%; 50% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, qua internet banking, mobile banking, mobile money... Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông nghiệp), sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart, VneID và các tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, lý lịch tư pháp, kiến nghị phản ánh, tích hợp giấy tờ như thẻ Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe...) ngày một tăng. Toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ công dân kích hoạt 94,57% tài khoản định danh điện tử.

Đẩy mạnh công tác triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó, tỷ lệ đối tượng bảo trợ xã hội và người có công được thu thập thông tin, cấp tài khoản đạt 88,98%; tiến hành chi trả qua tài khoản đạt 63,8%; tỷ lệ thu nộp học phí qua tài khoản đạt 100% và chi trả chế độ chính sách cho học sinh qua tài khoản đạt 99,99%...

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 1/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang dần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đối với các cơ quan Nhà nước, hệ thống hạ tầng thông tin được đầu tư phục vụ hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác, phục vụ tốt hoạt động chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, các giải pháp công nghệ số được triển khai, ứng dụng số nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, với người dân và doanh nghiệp, chuyển đổi số đã trở thành tất yếu, quan trọng trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống.

Nguồn tin: baodienbienphu.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây