Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên không gian số

Thứ năm - 02/01/2025 21:01
Cùng với sự phát triển của công nghệ số, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng bằng nhiều hình thức lừa đảo các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin từ Bộ công an năm 2023 đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, gia tăng cả về phạm vi với thủ đoạn tinh vi. Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, trong đó 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022.
Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân. Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay.

Tội phạm công nghệ cao đã biến sự phát triển của công nghệ thành công cụ lừa đảo
Đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới không trừ một ai nhưng chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, và càng những người mà khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn thấp thì càng dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Hiện nay các hình thức lừa đảo mà tội phạm mạng hay sử dụng là: Giả danh cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, nhân viên BHXH, nhân viên Y tế, cán bộ xử lý giao thông, nhân viên Viễn thông; chuyển tiền làm từ thiện; cho số lô, số đề để đánh; lập sàn giao dịch ảo; đánh cắp tài khoản mạng xã hội để mượn tiền người thân; mua bán hàng trực tuyến; chuyển tiền nhầm để ép vay; giả danh lãnh đạo để nhắn tin vay tiền cấp dưới; giả danh công ty tài chính; tuyển cộng tác viên bán hàng; lừa nâng cấp sim 4G…
Thực trạng cho thấy tội phạm lừa đảo qua mạng đang dùng mọi thủ đoạn và tận dụng tối đa không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo của mình. Chính bản thân tôi và người thân cũng đã từng bị những đối tượng lừa đảo sử dụng điện thoại, mạng xã hội để lừa đảo. Vào đâu tháng 4/2024 tôi có nhận được cuộc điện thoại từ số 0948.038.916 giới thiệu là Trung công an phường Tân Thanh (nơi tôi đang sinh sống) với nội dung là “Trước đi làm căn cước công dân mức độ 2 đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, bằng lái xe chưa trên hệ thống chưa? hiện tại hệ thống đang báo lỗi và không nhập được thông tin tích hợp của tôi vào mà ngày 10/4 này hết hạn tích hợp”. Tôi trả lời VneID tôi sử dụng thường xuyên và đã tích hợp đầy đủ như anh vừa trao đổi. Ngay lập tức đối tượng xoay sang là ngày mai mời tôi lên phường để phối hợp việc tích hợp.
Để kiểm chứng tôi đã gọi điện lên phường Tân Thanh xác nhận là không có ai tên Trung với số điện thoại nêu trên. Tuy nhiên, hai ngày sau lại có số điện thoại 0915.586.776 giới thiệu là Nam Công an phường Tân Thanh trao đổi nội dung như trên. Tôi nói, thế hôm trước có đồng chí trên Trung cũng gọi với nội dung này có phải là đồng đội của anh không, thì đối tượng trơ trẽn trả lời đúng rồi. Tôi mới nói: Tôi đã xác nhận trên phường không có ai tên Trung nhé, các anh cần gì thì làm văn bản gửi về cho tôi để làm việc, không ai làm việc qua điện thoại như này, rồi đối tượng tắt máy. Tôi lại gọi điện xác nhận trên Công an phường đều không có những người tên và số điện thoại như trên.
Nếu trong trường hợp này với những người chưa tích hợp hoặc chưa hiểu rõ thì các đối tượng sẽ yêu cầu người dân cài đặt VneID giả mạo tại trang website giả mạo của Bộ công an rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cuối năm 2023 một cô giáo tại một trường THPT trên thành phố tên N.T.K cũng bị lừa giả danh nhân viên bảo hiểm xã hội, đối tượng có thông báo cho nạn nhân là BHXH của nạn nhân bị sai chưa khớp với thông tin cá nhân và cần phải đồng bộ dữ liệu CCCD và yêu cầu nếu có sử dụng phần mềm VssID để hướng dẫn cập nhật online. Tin lời làm theo đối tượng hướng dẫn và chị đã bị mất toàn bộ tiền hơn 40 triệu trong tài khoản ngân hàng của mình.

Đây mới chỉ là 2 trường hợp bị các đối tượng lợi dụng các nền tảng số để lừa đảo, mà các đối tượng thường lợi dụng những chính sách của cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo như hạn tích hợp VneID, BHXB, bằng lái xe hoặc mới đây nhất là thông tin từ ngày 01/7/2024 công dân cần sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 để đăng nhập Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an theoNghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ.


Sở TT&TT Điện Biên tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho CBCC, VC để phòng tránh lừa đảo qua mạng (Ảnh: Vũ Thảo)
Để không mắc phải những sai lầm hoặc một chút chủ quan mà bị các đối tượng lừa đảo chúng ta cần thực hiện: Không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen;  luôn kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập; không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng; không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ; sử dụng các phần mềm bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của mình; luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp. Cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại mà phải có văn bản đầy đủ số và dấu của cơ quan mời làm việc; tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai; nên gọi điện xác nhận khi có người thân nhắn tin mượn tiền; Các cách kiếm tiền việc nhẹ lương cao trên mạng đều là lừa đảo. Đồng thời, tích cực và thường xuyên tuyên truyền cho người thân về các hình thức lừa đảo trên mạng, nhất là những người già, những người ít tiếp xúc được với các thông tin trên truyền thông. Đó là chia sẻ của ông Vũ Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT&TT./.
 

Tác giả: Bài: Hải Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây