Những kết quả nổi bật của Ngành Thông tin và Truyền thông năm 2013

Thứ năm - 26/12/2013 20:53

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tặng cờ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tặng cờ cho các đơn vị có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013
Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014, năm 2013 Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực quản lý
Báo cáo cho biết, năm 2013, mặc dù chịu ảnh hưởng do khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng ngành TTTT vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển. Bộ TTTT đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả trên cả 5 lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông và CNTT. Triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ chế, chính sách mới, sát với yêu cầu thực tiễn đã được ban hành; hành lang pháp lý tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng; các quy hoạch, chiến lược trong lĩnh vực thông tin và truyền thông được tập trung nghiên cứu xây dựng và định hướng theo chiến lược phát triển chung của quốc gia. Trong năm qua, số lượng đề án được Bộ TTTT trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt mức cao nhất từ trước đến nay với tổng số 35 đề án. Bao gồm các dự thảo Chiến lược phát triển thông tin; các quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, in và phát hành; các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật xuất bản; chế độ nhuận bút trong hoạt động báo chí, xuất bản; quản lý đầu tư ứng dụng CNTT. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 nghị định và 12 quyết định. Trong đó, các quy định, chính sách mới về khu CNTT tập trung; quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; xử phạt vi phạm hành chính trên cả 5 lĩnh vực chuyên ngành; tổ chức và hoạt động của Thanh tra thông tin và truyền thông đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch. Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật an toàn thông tin, ban hành 21 thông tư và thông tư liên tịch, hoàn thành việc hợp nhất văn bản giai đoạn 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo điều hành được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các giải pháp, thúc đẩy lĩnh vực thông tin và truyền thông tiếp tục phát triển trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, phải kể đến Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Việc lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong toàn ngành TTTT được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với nhiều ý kiến tâm huyết. Hoạt động báo chí, xuất bản tiếp tục vận động theo đúng định hướng của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Các cơ quan báo chí, xuất bản đã thông tin, tuyên truyền tốt các chủ trương, chính sách, sự kiện chính trị lớn của đất nước, đặc biệt là việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật đất đai. Đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phân tích, nêu rõ được quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; qua đó củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Báo chí tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Đến nay, toàn quốc có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo, 507 tạp chí; địa phương có 113 báo, 132 tạp chí; có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Mạng lưới phát thanh, truyền hình có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng mặt đất toàn quốc, gồm có Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương. Hiện tại, Việt Nam có 178 kênh chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá, gồm 103 kênh chương trình truyền hình, 75 kênh chương trình phát thanh. Nhiều chương trình phát thanh truyền hình quốc gia và một số chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá khác được phát sóng trên mạng Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại. Bên cạnh hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền tiếp tục được đầu tư, phát triển. Riêng 04 cơ quan báo hình lớn nhất của Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh) đã sản xuất 73 kênh truyền hình trả tiền. Ngoài ra, trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện có 75 kênh truyền hình nước ngoài phục vụ 4,4 triệu thuê bao trên toàn quốc. Ngành Xuất bản vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Ngành đã xuất bản được gần 25.000 cuốn sách, với 274 triệu bản; xuất bản gần 1.000 loại văn hóa phẩm, với 15 triệu bản, trong đó xuất bản gần 300 mẫu lịch với 5,5 triệu bản. Ngành In dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ trang in 13x19cm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 21 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu 50 triệu bản sách, 7,2 triệu tờ báo, tạp chí, kim ngạch nhập khẩu đạt 18 triệu USD; xuất khẩu 350.000 bản sách, 5,5 triệu tờ báo, tạp chí. Tổng số sách phát hành là 369 triệu bản; tổng số văn hoá phẩm phát hành là 100 triệu bản; tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng. Công tác quản lý nhà nước về viễn thông ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông phát triển bền vững. Bộ đã chỉ đạo thanh tra trên diện rộng đối với các thuê bao di động trả trước; ban hành Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao. Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và công tác phòng, chống lụt, bão đảm bảo thông suốt, kịp thời. Các doanh nghiệp viễn thông từng bước phát triển các dịch vụ giúp người dân được thụ hưởng nhiều sản phẩm mới. Công tác triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020 được thực hiện khẩn trương với trọng tâm ở 05 thành phố lớn trong giai đoạn 1 đến năm 2015. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thông tin nhân đạo tiếp tục được đẩy mạnh với việc thực hiện nhiều chiến dịch nhắn tin qua Cổng thông tin 1400, đặc biệt là các chương trình ủng hộ đồng bào, chiến sỹ vùng biển đảo, đồng bào vùng bị bão, lũ. Công tác quản lý thông tin trên mạng Internet được đẩy mạnh giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nghị định 72/2013/NĐ-CP được tuyên truyền, thông báo rộng rãi tới người dân, tổ chức cả trong nước lẫn nước ngoài. Mạng IPv6 quốc gia được khai trương khi nguồn Ipv4 đang dần cạn kiệt góp phần thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Hoạt động của Điểm Bưu điện - Văn hóa xã được tập trung chỉ đạo triển khai. Bộ đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tăng cường hoạt động đọc sách, báo tại các Điểm này. Để ngăn chặn các thông tin sai lệch về chủ quyền đất nước, Bộ đã phối hợp các Bộ, ngành chức năng chỉ đạo ngăn chặn nhập khẩu bộ tem Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa. Lĩnh vực CNTT luôn có sự vận động, chuyển biến tích cực. Bộ đã xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, tạo nền tảng phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia; phát hành Sách Trắng về CNTT-TT năm 2013. Công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Các đề án lớn tiếp tục được chú trọng triển khai. Lần đầu tiên, công tác diễn tập, ứng cứu sự cố an toàn thông tin đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc và thu được kết quả khả quan, được sự đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức tham gia. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã triển khai quyết liệt công tác chỉ đạo tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chỉ đạo tốt hoạt động và kiện toàn mô hình tổ chức của VNPost sau khi tách ra khỏi VNPT; ban hành Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC giai đoạn 2012-2015 và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Đặc biệt, Bộ đã tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu VNPT; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Tổng số điểm bưu chính phục vụ là hơn 13.000 điểm, bao gồm 2.516 bưu cục, 8.117 Điểm Bưu điện - Văn hóa xã, 1.150 đại lý bưu điện và hơn 1.000 ki-ốt, thùng thư công cộng. Tổng doanh thu viễn thông ước đạt 9,9 tỷ USD. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 105 triệu thuê bao, trong đó di động chiếm 93%; hơn 31 triệu người sử dụng Internet; tổng số thuê bao Internet băng rộng (xDSL) đạt hơn 5,17 triệu thuê bao; tổng băng thông kết nối Internet trong nước đạt 613,8Gb/s và tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt 549Gb/s; hơn 263.000 tên miền “.vn” đã đăng ký và Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 172% năm; tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký đạt gần 950.000; tổng số địa chỉ IPv4 đã cấp đạt trên 15,5 triệu địa chỉ. Từng bước hình thành hệ thống mạng IPv6 quốc gia theo lộ trình đề ra. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, ước tính đạt hơn 20 tỷ USD, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp hơn 90% giá trị xuất khẩu. Về ứng dụng CNTT, 100% cơ quan nhà nước có Trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT-TT. Công tác hợp tác quốc tế được chú trọng với nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại; tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP, Việt Nam - EU, ITA2, rà soát việc thực hiện các chính sách thương mại theo cam kết với WTO; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, triển lãm sách, ảnh, tuần phim, phát hành các bộ tem chung kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước. Sự phối hợp, thông tin hai chiều giữa Bộ với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Sở TTTT được tăng cường, thường xuyên và gắn kết hơn, nhất là việc định hướng công tác và tổng hợp các kiến nghị, khó khăn của địa phương để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Sự phối hợp của Bộ với các Ban của Quốc hội trong việc trả lời kiến nghị của cử tri đã được thực hiện tốt. Đặc biệt là việc Bộ trưởng Bộ TTTT trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII rất thành công đã tạo được sự đồng thuận của đại biểu và cử tri, qua đó, làm cho nhân dân cả nước hiểu rõ hơn về các hoạt động và đóng góp của ngành TTTT đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vai trò của ngành TTTT được khẳng định và nâng cao. Các Sở TTTT đã chủ động tham mưu cho địa phương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và những nội dung liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông mang tầm chiến lược, cụ thể, rõ ràng và phù hợp với thực tế; đồng thời tích cực triển khai toàn diện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hiệu quả, thiết thực, khẳng định được vị thế của các Sở TTTT ở địa phương.

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây