Theo đó, nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về báo chí; tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, tình trạng "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thường xuyên phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí. Quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rà soát, đề nghị bổ sung, sửa đổi các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan báo chí trong việc để cơ quan báo chí, người làm báo có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, cung cấp của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí, bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng. Tăng cường xử lý thông tin báo chí để kịp thời thông tin tới các cơ quan báo chí và công luận; có biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc sai phạm hoặc đưa ra hướng khắc phục những tồn tại, hạn chế mà báo chí đã nêu, không để tình trạng báo chí đưa thông tin kéo dài, làm nóng dư luận, nhất là đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.
Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí, truyền thông. Tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, tình trạng "thương mại hóa", "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử, "báo hóa" mạng xã hội.
Hỗ trợ tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, nguồn lực hoạt động; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệm vụ, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý báo chí; giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với người làm báo; đẩy mạnh việc theo dõi, kiểm tra, kết luận và xử lý đối với người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua và hoạt động báo chí...