Vì một Điện Biên phát triển và hội nhập

Chủ nhật - 27/12/2015 21:08

Đường vào khu du lịch quốc gia Mường Phăng, huyện Điện Biên.

Đường vào khu du lịch quốc gia Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Những ngày này, trong không khí rạo rực hướng về đại hội lần thứ XII của Đảng, kỳ họp thứ 16 Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XIII diễn ra trong sự chờ đợi và hy vọng của chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc, tiếp tục nỗ lực phấn đấu đưa Điện Biên từng bước trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, như Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đặt ra...
Hơn sáu thập kỷ tính từ trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và toàn diện của Trung ương Đảng, được sự quan tâm, chăm sóc của Chính phủ, sự giúp đỡ kịp thời của các bộ, ngành, 19 dân tộc Điện Biên kết thành một khối đồng tâm với truyền thống đấu tranh, xây dựng và phát triển của tỉnh, trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Thực tế chứng minh từ trước tới nay, Điện Biên luôn chiếm vị trí trọng yếu với vai trò trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá nơi địa đầu biên cương Tổ quốc. /uploads/news/2015_12/huu-thiem-trung-tam-huyen-nam-po.jpg Nhờ nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư phát triển của Chính phủ, trung tâm huyện Nậm Pồ đang từng bước được xây dựng. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, cũng cần phải thấy rằng chúng ta bước vào “năm bản lề” 2016 với nhiều thuận lợi mà trước hết là môi trường chính trị - xã hội ổn định, đoàn kết nội bộ và sự gắn bó mật thiết giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong khối đại đồng. Đương nhiên đó là cả một tiền đề lớn lao để các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường, công tác đối ngoại được mở rộng. Trong điều kiện cả nước quyết liệt chống lạm phát, giá tiêu dùng leo thang, nhưng khu vực miền núi nói chung và Điện Biên nói riêng vẫn tiếp tục được Nhà nước ưu ái dành cho những khoản ngân sách đáng kể, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, hạn chế và bất cập cả khách quan lẫn chủ quan, cả trong điều hành lẫn triển khai thực hiện. Hàng loạt các chương trình, kế hoạch, dự án với nhiều quy mô được khởi động, tạo thêm những nguồn lực tài chính giúp Điện Biên giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm 2015, mặc dù phải đối mặt với những tác động tiêu cực của lũ lụt, của tình hình suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, cùng những trở ngại đặc thù của một tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn; song cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc trong tỉnh vẫn quyết tâm vượt qua mọi thử thách, đoàn kết để tổ chức và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình thi đua chào mừng các ngày lễ lớn năm 2015. Con số Báo cáo của UBND tỉnh, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, cho ta cơ sở để thêm vững tin vào chủ trương, trí tuệ và quyết tâm đổi mới, đi lên của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIII, thay mặt Thường trực UBND tỉnh, đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2015; mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016. Theo đó, năm 2015 mặc dù trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực công tác. Toàn tỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,02%, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của nhiệm kỳ 5 năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 5,11%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,88% và dịch vụ tăng 13,69%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định; GRDP bình quân đầu người ước đạt 23,2 triệu đồng/năm, tăng 12,38% so với thực hiện năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm 4,56%, riêng 5 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a giảm 6,93%; vấn đề an ninh lương thực được đảm bảo, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tiếp tục được đầu tư đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các chương trình, dự án trọng điểm như Đề án 79, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La... được triển khai tích cực với nhiều kết quả được ghi nhận... Báo cáo tình hình thu - chi ngân sách địa phương năm 2015 cho thấy: Tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 7.242,359 tỷ đồng, đạt 108,88% dự toán. Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu thu ước thực hiện đều đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao đầu năm. Dự ước 8/10 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành vượt mức dự toán về thu ngân sách trên địa bàn từ 5% trở lên. Bên cạnh đó, về chi ngân sách địa phương năm 2015 ước thực hiện đạt 103,3% dự toán, cơ bản đáp ứng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đặc biệt là kinh phí để hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... Các lĩnh vực văn hóa - thể dục thể thao; bưu chính viễn thông, xuất bản, y tế, giáo dục - đào tạo... tiếp tục có bước phát triển góp phần nâng cao mức sống tinh thần cho nhân dân. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được tập trung thực hiện gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và có những đổi mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo. Thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân đảm bảo vững chắc. Công tác đối ngoại được tăng cường và nâng cao một bước về chất. Với sự tham gia của các thành phần kinh tế, hoạt động đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại hiệu quả rõ rệt. Sự tăng nhanh nguồn vốn, chẳng những góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn; mặt khác, chứng tỏ Điện Biên đang dần trở thành “điểm đến” để các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước có thể tìm thấy những cơ hội làm ăn. Trên bước đường đi tới, trong rất nhiều thành tựu mà chúng ta đã đạt điều không thể không đề cập đó là cây lúa và hạt gạo Điện Biên mà ở đây, cây lúa và hạt gạo Mường Thanh xứng đáng như một “đại diện ưu tú” cho nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Chạy dọc đôi bờ Nậm Rốm, thung lũng Mường Trời đầy ắp hương lúa, ngào ngạt sắc hoa. Giữa bao la mây Mường Thanh và nắng Mường Thanh, kỳ diệu thay thứ giống nào gieo xuống cũng cho ta hạt gạo ngon như nét duyên dáng của thiếu nữ Mường Thanh. Ngoài mục tiêu chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực tại chỗ trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2016, đặc biệt là các công trình trọng điểm như Đề án sắp xếp ổn định dân di dịch cư tự do Mường Nhé, Chương trình xây dựng nông thôn mới... đảm bảo tiến độ chất lượng và chặt chẽ đúng quy định. Tăng cường quản lý đầu tư để giảm giá thành xây lắp các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Các đơn vị chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch vốn bố trí đến đâu thực hiện đến đó, không để phát sinh thêm khối lượng gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ năm 2016 trở đi các ngành, các huyện, thị, thành phố phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Vào những ngày này khi mà Tết Nguyên đán Bính Thân (2016) đang mỗi ngày một gần, đâu đó trên vùng cao, biên giới, tiếng khèn tiếng sáo đang rộn rã cất lên chuẩn bị cho Tết sớm của một số dân tộc ít người. Trong hạnh phúc hôm nay, chúng ta càng vững tin trước những thành quả to lớn nhiều mặt mà Đảng đem lại. Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIII là dịp để các đồng chí lãnh đạo cơ quan HĐND cũng như đại diện các ban ngành hữu quan, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị... cùng nhau bàn thảo các mục tiêu phấn đấu nói chung, vì một Điện Biên phát triển và hội nhập./.

Tác giả: Bài, ảnh: Hữu Thiêm

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây