DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 27/12/2015 20:51
Thổi khèn môi trong ngày tết cổ truyền dân tộc Mông xã Tả Sìn Thàng, Tủa Chùa (ảnh: Thu Thủy).
Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên có địa hình của vùng cao nguyên và núi thấp với các đỉnh Na Tùng, Phình Hồ cao 1.585m ở phía đông nam, phía tây bắc và cao nguyên Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phình (dạng cao nguyên đá vôi xen kẽ các thung lũng hẹp) là nơi hội tụ của những di tích, danh thắng mang vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết, bí ẩn, đầy hấp dẫn và luôn có sức hút thú vị đối với những du khách ưa thích du lịch trải nghiệm và du lịch mạo hiểm vùng địa hình núi non, hang động hiểm trở.
Cao nguyên đá Tủa Chùa là sự hội tụ sự độc đáo chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất và địa mạo, địa chất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hệ sinh thái đặc thù, tính đa dạng sinh học cao, những cảnh quan đặc sắc cùng với truyền thống văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa, đây là vùng tập trung người Mông đông nhất cả tỉnh. Cao nguyên đá nằm hầu hết ở các xã trong huyện, nhưng tập trung nhiều nhất tại các xã: Tả Phình (bản: Tả Phình, Sáo Phình, Tà Dê, Tả Pua Nhe); xã Tả Sìn Thàng (bản: Tà Chinh, Tả Sìn Thàng, Sín Chải) và xã Xá Nhè. Đến với cao nguyên đá Tủa Chùa khách du lịch sẽ được tham quan khám phá, trải nghiệm với kỹ thuật canh tác hốc đá và canh tác lúa nước vùng thung lũng của người dân bản địa; thu hái, chế biến chè cây cao tại gia đình người Mông, xã Sín Chải; thăm hang động Xá Nhè - di tích quốc gia; Thành Vàng Lồng - di tích cấp tỉnh; bãi đá cổ, cùng nhiều hang động đẹp có giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan đẹp như hang động gần bản Hấu Chua, xã Sín Chải; hang động gần bản Pản Nham, hang động gần bản Sín Sủ, xã Xá Nhè; những di sản thiên nhiên hang động phát hiện tại địa bàn huyện được tạo thành do quá trình Cát tơ trải qua thời gian là những di sản thiên nhiên tuyệt mỹ với những nhũ đá đủ các hình dạng lộng lẫy, nguy nga như giữa chốn hoàng cung được kiến tạo qua hàng triệu năm trong lòng cao nguyên đá; có thể ví những kỳ quan đó như “Vịnh Hạ Long trên cạn” với một vẻ đẹp hoang sơ nơi miền sơn cước. /uploads/news/2015_12/th-ch-nh-a-tren-vach-hang-ng-xa-nhe.jpg Thạch nhũ đá trên vách hang động Xá Nhè (ảnh: Quỳnh Trang). Chợ phiên xã Xá Nhè,Tả Sìn Thàng cũng là nơi để khách du lịch tìm tòi khám phá với những sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của địa phương được nhiều người biết đến như “rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà đi bộ, chè cổ thụ…”. Tính độc đáo của văn hóa các tộc người trên cao nguyên đá Tủa Chùa thể hiện rõ ở các buổi chợ phiên, không giống các phiên chợ miền xuôi, chợ phiên ở đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế mà còn là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần là nơi giao lưu tìm hiểu, chọn bạn đời của những chàng trai, cô gái Mông. Những chợ phiên họp theo các ngày con giáp luôn là điểm nhấn khi nhắc đến bức tranh văn hóa Tủa Chùa. Điểm đặc biệt nhất, độc đáo của 2 phiên chợ Tủa Chùa so với nhiều phiên chợ vùng cao ở vùng Tây Bắc là họp lùi ngày. Nếu tuần này họp vào ngày chủ nhật thì tuần sau sẽ là thứ 7 và tuần kế tiếp sẽ vào thứ 6... Hiện nay huyện Tủa Chùa đang phấn đấu đạt các tiêu chí công nhận là của công viên địa chất quốc gia, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí đảm bảo cho việc xây dựng hồ sơ Công viên Địa chất Tủa Chùa đề nghị Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Trong tương lai không xa Cao nguyên địa chất huyện Tủa Chùa trở thành Cao nguyên địa chất quốc gia; là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước và quốc tế./.