DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 25/12/2015 04:37
Vẻ đẹp hoang sơ, lộng lẫy của hang động Chua Ta (ảnh: Thanh Tâm).
Sau 3 năm khảo cứu, hoàn thiện hồ sơ, di tích danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên đã được vinh dự công nhận bằng di tích cấp quốc gia. Lễ đón nhận bằng công nhận diễn ra trong niềm vui, sự phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hẹ Muông. Từ nay, trên địa bàn tỉnh có thêm một di tích cấp quốc gia và trước mắt cũng còn rất nhiều việc phải làm nhằm đưa Chua Ta trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang lại hiệu quả.
Sáng sớm ngày 2/12, sân trụ sở UBND xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên đã nhộn nhịp, náo nhiệt bởi hàng trăm người dân đến dự lễ đón nhận bằng di tích cấp quốc gia danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta. Trong số đó không chỉ có các thầy cô giáo, học sinh, thanh niên trong bản mà có cả những em nhỏ còn địu trên lưng mẹ, những cụ cao tuổi tóc bạc trắng ngồi kiên nhẫn đón chờ giờ diễn ra lễ đón nhận. Là người có nhiều đóng góp vào công tác nghiên cứu, lập hồ sơ, bà Trịnh Thị Mai, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, phấn khởi cho biết: Nằm ở lưng chừng núi thuộc khu tái định cư mới của bản Na Côm, xã Hẹ Muông, hang động Chua Ta được một người dân trong bản Na Côm phát hiện năm 2010 khi đi bắt dơi. Tháng 2/2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp với UBND xã Hẹ Muông tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học di tích quyết định gọi tên: Danh lam thắng cảnh hang động Chua Ta. Sở dĩ có tên như vậy bởi trước đây xung quanh hang động có nhiều ong khoái, theo tiếng dân tộc Mông (Chua có nghĩa là núi, Ta có nghĩa là ong) núi ong khoái. Ngoài tên gọi hang động Chua Ta, di tích còn được người dân địa phương gọi tên hang động Na Côm, gắn với tên bản nơi di tích đang tồn tại. Để đến hang Chua Ta, du khách có thể đi bằng 2 tuyến đường nhưng thuận tiện hơn là tuyến đường từ trung tâm T.P Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 279 đến UBND xã Na Ư (huyện Điện Biên) sau đó rẽ phải 8km đến trang trại bản Na Côm. Từ đây đi bộ tiếp 300m vào núi Chua Ta là đến được di tích. Hang động Chua Ta là danh lam thắng cảnh đẹp giữa một vùng núi non hùng vĩ, du khách đến đây như được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ. Đây cũng là điểm phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực: Địa chất, khoáng sản, khảo cổ, sinh học. Nằm trong quần thể núi đá vôi có thảm thực vật đa dạng sinh học phong phú, do quá trình kiến tạo, vận động hàng triệu năm của trái đất đã hình thành nên một hang động kỳ thú hiếm có. Hang động nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, có chiều dài 500m, uốn theo hình chữ S, chia làm 2 ngăn chính và nhiều ngách nhỏ. Cửa hang động nhỏ hẹp, chiều rộng 0,7m, cao 0,9m, để vào được bên trong du khách phải nằm nghiêng chui người qua. Nơi rộng nhất trong lòng hang từ 25 - 30m, vòm cao khoảng 18 - 20m; nền hang động thấp hơn cửa khoảng 10m. Điều kỳ thú là trải dài suốt chiều sâu của hang động trần hang động là nhũ đá kết tủa hình chiếc ô, cụm đèn chùm, pha lê hay một bức tranh khổng lồ trên đó chạm khắc nhiều hình thù kỳ lạ, khối giống pho tượng phật, khối lại có hình thù giống các con vật, hình bông hoa hay chiếc lá màu trắng, xanh, vàng đan xen nhau trông giống những bức tượng, bức tranh phong cảnh được dát vàng... Dưới nền hang động ngăn thứ nhất là cồn cát mịn hay những dải đá với những viên sỏi tròn trắng tinh, vách hang động là những dải nhũ đá màu trắng tinh như muối kết tinh hay những khối nhũ đá màu vàng óng ánh, gây ấn tượng mạnh đối với du khách. Ngăn thứ hai nằm dưới ngăn thứ nhất, dài 30m, nền có những viên cuội tròn màu xám được đặt trên một phiến đá tròn đường kính khoảng 0,4m trông giống hình mâm xôi hay hình mâm ngũ quả... Vào sâu bên trong là rừng măng đá, nhũ đá nhiều mầu với nhiều hình thù kỳ lạ, đặc biệt, cuối hang động có một dòng suối mát trong veo với những cồn cát mịn hay những dải đá sỏi trải dài trắng tinh. Với những giá trị biểu trưng về thẩm mỹ, lịch sử, giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch, trong tương lai hang động Chua Ta sẽ trở thành tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, giải trí và liên kết phát triển du lịch giữa các điểm di tích theo tuyến huyện Điện Biên và Điện Biên Đông… phù hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá của du khách trong và ngoài nước. Để thực hiện được điều đó, trước hết ngành Du lịch, cả chính quyền và nhân dân trong xã Hẹ Muông cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, kết hợp với các công ty du lịch giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ di tích và tài nguyên môi trường du lịch. Đồng thời, mở rộng tuyến đường đến khu di tích, lắp biển chỉ dẫn, tạo công viên xanh, khoan cắt mở rộng cửa hang, cải tạo đường đi trong động, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhân tạo trong toàn bộ khu vực động...; chú trọng xây dựng những tuyến du lịch như: Tuyến du lịch hang động Pa Thơm - hang động Chua Ta, thành Sam Mứn - Thành Bản Phủ - tháp Chiềng Sơ... kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sản của địa phương… để di tích thực sự xứng tầm là di tích cấp quốc gia.