DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 27/12/2015 19:50
Tổ chuyên viên liên hợp-Ban Chỉ đạo 2627 tỉnh phối hợp với UBND xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé rà soát phỏng vấn trực tiếp người dân thuộc đối tượng của Thỏa thuận
DIC - Nhằm tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, nhà nước và nhân dân trên cơ sở tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa hai nước Việt Nam – Lào. “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” đã được ký kết. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận, ngày 31/12/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 2627. Điện Biên là 1 trong 10 tỉnh phải triển khai các điều khoản của Thỏa thuận.
Xuất phát từ tình trạng người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt – Lào diễn ra từ lâu và được xác định là còn tiếp diễn từ chính sách đổi mới, mở cửa của nước ta, đặc biệt từ tập quán du canh, du cư và mối quan hệ họ hàng, thân tộc của dân cư 2 bên biên giới nên nhiều người đã tự do di cư sang các tỉnh giáp biên giới 2 nước làm ăn sinh sống, kết hôn, định cư lâu dài và không muốn quay trở lại ngày càng gia tăng; bên cạnh đó cũng có những người di cư trở lại Việt Nam, trong đó có cả Việt kiều từ Lào trở về Việt Nam sinh sống. Nội dung chính của Thỏa thuận là: Giải quyết dứt điểm vấn đề di cư tự do, vấn đề kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam – Lào và thống nhất những người được ở lại nước sở tại sẽ mất quốc tịch gốc; những người di cư tự do cư trú từ năm 1985 trở về trước đương nhiên được phép cư trú; người kết hôn không giá thú và các đối tượng đã cư trú từ năm 1986 đến ngày ký kết thỏa thuận (08/7/2013) tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xem xét điều kiện cho ở lại; các trường hợp phải trở về nước gốc là những người di cư tự do sau ngày thỏa thuận được ký kết và những người trong vùng biên giới 2 nước từ năm 1986 đến ngày ký kết thỏa thuận (08/7/2013) không đủ điều kiện theo quy định và vi phạm pháp luật của nước cư trú. Với Điện Biên, Ban Chỉ đạo 2627 tỉnh được thành lập từ 17/2/1014 đã và đang gấp rút triển khai với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành và Sở Ngoại vụ là cơ quan Thường trực tham mưu cho BCĐ triển khai các bước nhằm đảm bảo đúng thời hạn, lộ trình. Đến nay Tổ chuyên viên liên hợp giúp BCĐ 2627 tỉnh đã tiến hành đơn phương rà soát, thống kê, phân loại và lập danh sách người di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới hai nước (CHDCND Lào) tại 4 huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ với tổng số 112 người, trong đó: Nam: 12 người; Nữ: 100 người và xác định được số người di cư tự do và kết hôn không giá thú từ năm 1985 trở về trước có 11 người; từ năm 1986 đến năm 2013 có 94 người; sau năm 2013 có 05 người; 02 người không nhớ năm nhập cảnh vào Việt Nam. Trong tổng số 112 người thuộc danh sách (riêng huyện Điện Biên có 102 người chủ yếu là phụ nữ lấy chồng sang cư trú từ lâu) có 110 người có nguyện vọng ở lại Việt Nam; 02 người xin trở về Lào và 01 người quốc tịch Lào nhưng người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam trước khi kết hôn với người Việt Nam; năm 2002 đã kết hôn với công dân Trung Quốc, tình trạng hôn nhân trước khi kết hôn với người Việt Nam chưa rõ ràng. Theo Kế hoạch số 3690/KH-BCĐ ngày 22/10/2015 của Ban Chỉ đạo 2627 tỉnh dự kiến Hội đàm song phương cấp tỉnh giữa tỉnh Điện Biên với tỉnh Phoong Sa Ly, tỉnh Luông Pra Băng (Nước CHDCND Lào vào tháng 11/2015 để đối chiếu kết quả rà soát đơn phương và phối hợp với bạn tiến hành rà soát song phương và tiến hành Hội đàm tổng kết công tác rà soát song phương trong tháng 12; Căn cứ vào kết quả rà soát song phương và thống nhất giữa tỉnh Điện Biên và 2 tỉnh nước bạn Lào sẽ trình Ban chỉ đạo 2627 quốc gia, Trưởng đoàn Đại biểu biên giới 2 nước sẽ xem xét thống nhất phê duyệt danh sách người được cư trú, người phải trở về nước cũ và các thủ tục trao nhận người. Tính đến thời điểm này cơ bản việc triển khai rà soát, điều tra và lập danh sách đơn phương tỉnh ta đã hoàn thiện, chỉ còn chờ thống nhất qua Hội đàm song phương để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo. Để giải quyết các vấn đề xác định đối tượng được phép cư trú, người phải trở về nước gốc sau khi Hội đàm song phương thống nhất danh sách kết quả điều tra song phương, việc tập trung giải quyết hộ tịch, quốc tịch, cư trú… sẽ do hai ngành Tư pháp và Công an phối hợp triển khai các nội dung: cấp giấy xác nhận có quốc tịch nước cư trú, đăng ký khai sinh, kết hôn cho người di cư tự do và kết hôn không giá thú đảm bảo quy trình, quy định của pháp luật và luật biên giới quốc gia, Chủ tịch nước sẽ có Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho người có nguyện vọng, đủ điều kiện được cư trú. Hiện nay theo kết quả rà soát tính theo công tác quản lý hộ khẩu, hộ tịch: số người đã cấp CMND là 22 người; đã nhập khẩu 34 người; 10 người đăng ký kết hôn không đúng trình tự; 01 người đã nhập quốc tịch Việt Nam do UBND xã cấp. Ban Chỉ đạo 2627 đã phân công cho các cơ quan chức năng về hộ khẩu, hộ tịch cư trú cần chủ động hướng dẫn cơ sở thực hiện việc cấp hộ tịnh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân phải đúng quy trình, trình tự, thẩm quyền theo quy định của Luật cư trú. Bà Lù Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Hành chính Tư pháp – Sở Tư pháp tỉnh cho biết: Việc cán bộ tư pháp xã tham mưu đăng ký kết hôn cho 10 người chưa đúng quy trình đã được Sở Tư pháp quán triệt, yêu cầu các xã có các trường hợp trên hoàn chỉnh lại hồ sơ gửi về Sở Tư pháp thẩm định theo quy định, trên tinh thần xác nhận việc hôn nhân thực tế và đơn giản hóa thủ tục song vẫn đảm bảo trình tự thủ tục theo pháp luật hiện hành. Tương tự trường hợp UBND xã cấp quốc tịch cho người Lào không đúng thẩm quyền cũng phải hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo trình tự, thủ tục theo Luật Quốc tịch Việt Nam, trình Chủ tịch Nước ra quyết định cho nhập quốc tịch. Sở Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh trong việc cung cấp giấy tờ tùy thân chính xác, đúng quy định, tránh trường hợp người vẫn có chứng minh nhân dân Lào mà vẫn được cấp chứng minh nhân dân Việt Nam, khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch, tư pháp… sẽ phát sinh bất cập, vướng mắc không thuận tiện cho người dân. Thời gian thực hiện Thỏa thuận là 3 năm, nhiệm vụ trước mắt cơ bản hoàn thành. Tuy vậy, nhiệm vụ của 2 nước trong thời gian tiếp theo còn rất lớn như: Hoàn thiện việc giao nhận, hỗ trợ các thủ tục chuyển giao, tiếp nhận người và tài sản đối với những người phải trở về nước gốc; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho việc định canh, định cư, giúp tạo việc làm nhằm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Tiếp tục có biện pháp và cơ chế phối hợp, triệt để ngăn chặn tình trạng tái di cư tại vùng biên giới hai nước cũng như ngăn chặn người di cư tự do mới. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các thỏa thuận song phương và hệ thống nội luật cho nhân dân vùng biên giới Việt Nam - Lào. Cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu góp phần ổn định đời sống của nhân dân vùng biên giới./.