DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 27/12/2015 20:56
Dì cô dâu nhúng lược vào bát nước có chứa sỏi ba bến nước và cỏ Mần trầu để chải tóc cho cô dâu.
Trong kho tàng văn hóa phi vật thể của tỉnh Điện Biên dân tộc Thái rất phong phú về các lễ hội như Lễ hội cầu mưa, lễ hội Kin Pang Then, lễ hội xên bản xên mường, lễ Hạn Khuống… nhưng phải kể đến là Lễ búi tóc ngược (Khửn cẩu) một nghi lễ độc đáo của dân tộc Thái ngành Thái đen.
Lễ búi tóc ngược (khửn cẩu) diễn ra trong đám cưới truyền thống của dân tộc Thái đây là một phong tục mang bản sắc riêng đánh dấu bước ngoặt của người con gái Thái khi đến tuổi kết hôn. Lễ búi tóc ngược (khửn cẩu) diễn ra với mục đích phân biệt người con gái Thái đã có chồng với những người con gái Thái chưa chồng, ngoài ra việc búi tóc ngược còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người con gái đã có chồng đó là che chở, bảo vệ cho chồng, con, bảo vệ tổ ấm hạnh phúc bên gia đình của họ. /uploads/news/2015_12/nha-trai-mang-lph-m-sang-nha-gai-xin-phep-lam-lbui-toc-ngc-1.jpg Nhà trai mang lễ sang nhà gái xin phép làm lễ búi tóc ngược. Đám cưới truyền thống của dân tộc Thái, ngành Thái đen tỉnh Điện Biên được diễn ra trong chu kì của đời người, trong đời người đến tuổi trưởng thành ai cũng phải kết hôn xây dựng gia đình hạnh phúc, duy trì bảo tồn nòi giống. Đám cưới truyền thống được diễn ra lưu giữ qua nhiều đời, thể hiện những yếu tố truyền thống thuộc về bản sắc riêng của tộc người. Khi đôi trai gái đã báo cho bố mẹ hai bên được biết là con cái muốn nên duyên trở thành vợ chồng, gia đình chàng trai sẽ chọn ngày tốt, nhờ người mai mối có uy tín, khéo đối đáp sang bên gia đình cô gái chơi và xin phép bên nhà gái. Đến ngày tốt (theo lịch Thái) gia đình chàng trai sang bên nhà gái xin làm lễ Búi tóc ngược nhận dâu (tẳng cảu so pặc) Trước khi làm lễ búi tóc phù dâu và phù rể mỗi bên một đôi trai gái có trách nhiệm trải đệm cưới cho cô dâu chú rể. Khi lễ trải đệm xong mọi người cùng nâng chén rượu mừng, cùng nói chuyện vui vẻ, hát đối đáp với nhau cầu chúc những điều tốt đẹp đến với đôi vợ chồng trẻ. Tất cả các đồ lễ của bên nhà trai cùng một số của hồi môn nhà gái được bày vào mâm lễ gồm: Một đĩa đựng bốn chén rượu, một chai rượu đặt bên cạnh; một cái mẹt đựng hai bát gạo, trên hai bát gạo có 2 quả trứng và 2 bông hoa, một cọn vải trắng, một cọn vải kẻ đỏ, một châm cài tóc, một xa búi tóc, một bộ áo cóm và váy, một dây thắt lưng, hai vòng tay bạc, một xà tích, một cái gương, một cái lược, một đôi búi tóc giả, một bát nước cỏ mần trầu. Ngoài ra phải có: Một cái lược để chải tóc cho con dâu, một bát nước lã, trong bát nước lã có sỏi ba bến nước, búi rau mần trầu ba vườn để nhúng lược vào chải tóc cô dâu, với ý nghĩa tượng trưng cho gia đình luôn có 03 thế hệ cùng chung sống khỏe mạnh, mặt khác cầu cho đôi vợ chồng trẻ vững niềm tin xây dựng tổ ấm hạnh phúc, làm ăn phát đạt, lộc tài sinh sôi nảy nở, êm ấm, hạnh phúc và cũng là để tóc chắc, khỏe, mượt, dài nhanh, không bị rụng. Mâm Lễ búi tóc đã chuẩn bị xong, nghi lễ búi tóc ngược bắt đầu tiến hành người mẹ hoặc dì cô dâu vừa chải tóc vừa dặn dò con gái khi về làm dâu nhà chồng và chúc phúc cho con. Khi đã chải tóc xong mẹ hoặc dì cô dâu mời mẹ chồng (cô chồng) đón nhận để tiếp tục làm lễ búi tóc ngược nhận dâu, bà cô lấy lược nhúng bát nước cỏ “mần trầu” chải tóc ngược từ đằng sau hớt ngược lên đằng trước hướng về phía mẹt, chải thật đều rồi cuốn cùng đuôi tóc giả búi lên đỉnh đầu, chụp xa, lấy châm bạc cài chính giữa búi tóc. Quan niệm của người Thái: Búi tóc ngược (tẳng cẩu) ngoài đánh dấu gái đã có chồng còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là: Búi tóc ngược của người vợ để che trở, bảo vệ cho chồng, cho tổ ấm hạnh phúc. Chỉ khi chồng chết mới được thả búi tóc xuống búi đằng sau thành bà goá. Hết thời gian chịu tang (tối thiểu từ một năm đến ba năm) rồi lại búi tóc ngược lên như khi chồng còn sống, mang ý nghĩa thiêng liêng. Dù chồng đã chết, song linh hồn chồng vẫn luôn cùng vợ che trở, bảo vệ cho con, cho cháu, cho đại gia đình của mình tiếp tục phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống, trong cộng đồng xã hội, búi tóc ngược của mẹ, của bà làm con cháu luôn thấy ấm lòng, vững tin vào tương lai tốt đẹp./.