DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 02/02/2016 20:03
/uploads/news/2016_02/trang-31-1-1.jpg Tết Hoa của người dân tộc Cống Nghi lễ lớn nhất trong năm của người Cống ở Điện Biên là tết Hoa, giống như tết Nguyên đán của dân tộc Kinh. Tết Hoa thường được tổ chức khi vụ mùa đã xong và diễn ra vào tháng 10, 11 âm lịch. Đối với người Cống, đây là nghi lễ cổ truyền mừng thành quả một năm lao động sản xuất và bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã phù hộ, đồng thời cầu mong năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm… /uploads/news/2016_02/trang-31-2.jpg Người dân tộc Cống, bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên làm nghi lễ cúng chung của bản tại nhà thầy cúng trong tết Hoa truyền thống (ảnh: Bảo Anh). …Vì vậy, các lễ vật người dân dâng lên cúng đều là các nông sản do gia đình làm ra hay đánh bắt được như: bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, cá suối, gà, rượu, sóc, chuột... Tất cả các đồ lễ này đều được sắp theo đôi. Ngoài ra, bên bàn cúng, người Cống còn để những dụng cụ lao động như lưỡi dao, lưỡi liềm bởi họ quan niệm những vật dụng này đã cùng con người vất vả lao động cả năm nên cũng có công lao. Trong tết Hoa không thể thiếu một loài hoa gắn với đời sống tâm linh của người Cống là hoa Mào gà (loại nhỏ và dài, có 2 màu: vàng, đỏ). Đối với họ, hoa Mào gà biểu trưng cho may mắn. Theo quan niệm của người Cống, nếu chưa tổ chức tết Hoa, không gia đình nào được đi phát nương, đào củ sắn, củ mài trên nương và vui chơi, ca hát. Đây là nét văn hóa cổ truyền đẹp được gìn giữ truyền đời của người dân tộc Cống Điện Biên. Chiều 30 tết của dân tộc Lào Phong tục đón tết của người dân tộc Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên bắt đầu bằng nghi lễ cúng rước thần linh, tổ tiên về ăn tết với bà con dân bản. Nghi lễ này được thực hiện vào chiều 30 tết tại nhà thờ chung của bản với sự tham gia đông đủ của tất cả các hộ gia đình cùng những mong ước về một năm mới no ấm, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh. /uploads/news/2016_02/trang-31-3.jpg Bà con bản Na Sang tập trung tại nhà thờ bản vui chơi, ca hát mừng đón năm mới trong chiều 30 tết (ảnh: Mai Giáp). Để chuẩn bị cho lễ cúng, các cụ già trong bản cùng nhau xếp trầu, thuốc và các vật dụng, quần áo cho tổ tiên; thanh niên trai tráng mổ bò, gà, chó để làm mâm cỗ. Theo phong tục của người Lào nơi đây, để đón rước thần linh về ăn tết với mình, bản phải mổ 7 con gà, 1 con chó, 1 con bò hoặc lợn (2 con vật này luân phiên nhau mỗi năm). Các lễ vật này đều do cả bản góp tiền chuẩn bị. Ngoài ra, trong đồ lễ còn có khăn, vải, quần áo và đồ trang sức, đều do phụ nữ trong bản tự tay làm. Trước giờ lễ, không khí tại khu vực nhà thờ hết sức đông vui, ai nấy đều nhanh tay làm cho kịp giờ cúng đã định. Trẻ em và phụ nữ thì vui chơi, múa hát các điệu múa truyền thống của dân tộc trong tiếng cồng, chiêng rộn rã. Khi các mâm cúng đã xong xuôi, giờ đẹp đã đến, chẩu chẳm (thầy cúng uy tín được cả bản bầu chọn và được truyền từ cha sang con) bắt đầu tiến hành các nghi thức. Để kết thúc lễ cúng, các cụ già cùng tập trung lại, kêu tên các thần, đọc lời cầu khấn của bản và cúi lạy trước ban thờ. Sau đó, cả bản cùng nhau ăn tất niên tại sân nhà thờ rồi mới rước các thần và tổ tiên về bản ăn tết cùng con cháu. Bánh chưng đen trong tết cổ truyền dân tộc Dao Tết cổ truyền của người Dao (ngành Dao quần chẹt) ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa trùng với lịch tết Nguyên đán của người Kinh. Cứ độ khoảng cuối tháng 10 âm lịch, khi mùa màng vừa kết thúc cũng là lúc người phụ nữ Dao rục rịch chuẩn bị mọi nguyên liệu làm bánh chưng đen ăn tết. /uploads/news/2016_02/trang-31-41.jpg Người Dao Huổi Só làm bánh chưng đen chuẩn bị cho tết cổ truyền dân tộc (ảnh: Vũ Lợi). Đối với đồng bào dân tộc Dao, bánh chưng đen là loại bánh đặc trưng, không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Bánh chưng đen có ý nghĩa thể hiện tấm lòng biết ơn của người đang sống với ông bà, tổ tiên và để cầu cho một năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Không giống như một số loại bánh chưng đen của người Thái hay người Nùng được lấy màu đen từ gạo nếp cẩm hay nhuộm màu từ than gỗ núc nác, bánh chưng đen của người Dao Huổi Só có màu đen từ tro của thân rơm nếp đốt lên. Những bông lúa nếp chắc hạt sau khi thu hoạch về sẽ được giã thủ công lấy gạo, phần rơm xếp riêng, chọn lựa kỹ càng để tìm ra những cọng rơm to, vàng ươm rồi mang đi rửa sạch, phơi khô, bó buộc cẩn thận chờ đến ngày gần tết sẽ đem ra đốt để nhuộm gạo, làm bánh. Ngoài việc dùng để bày trên bàn thờ, thắp hương thờ cúng ông bà, tổ tiên, bánh chưng đen còn được dùng trong các bữa cơm tết mời bà con trong họ hàng, làng bản. Cùng với rượu thóc và thịt lợn nấu trong ống nứa thì sự hiện diện của miếng bánh chưng đen thơm bùi hương vị của nếp mới trong mâm cỗ của người Dao thể hiện sự ấm no của gia đình và ước vọng đủ đầy trong năm mới.