Lan tỏa lối sống xanh

Thứ năm - 09/02/2023 20:19
DIC - Nước biển dâng cao; Băng tan; Nắng nóng; Bão và lũ lụt; Dịch bệnh; Hàng trăm tấn cá chết mỗi năm; Hàng trăm ha rừng bị thiêu rụi; Hàng ngàn người bị mất chỗ ở; Biết bao công trình phúc lợi xã hội, nhà máy, công xưởng bị tàn phá nặng nề; Thiệt hại kinh tế; Giảm đa dạng sinh học và hủy diệt hệ sinh thái. Những thay đổi trong điều kiện khí hậu và lượng khí carbon dioxide tăng nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Đó là những hậu quả nghiêm trọng do ảnh hưởng, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong đó, rác thải nhựa là một trong những thực trạng nhức nhối.
Rác thải nhựa là cụm từ dùng để chỉ chung những sản phẩm làm bằng nhựa đã qua sử dụng hoặc không được dùng đến và bị đem vứt bỏ như: túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, đồ chơi cũ bằng nhựa,… những sản phẩm này có đặc điểm khó phân hủy lâu, thời gian có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Theo các thống kê gần đây, mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt. Hàng năm, có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, hệ động vật đại dương. Lượng chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh bốn vòng trái đất mỗi năm và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn.

Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước: Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư,… Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người,…
Không thể phủ nhận rằng, vật dụng bằng nhựa tiện lợi, có nhiều giá trị sử dụng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, hiện nay con người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Rác thải nhựa là nỗi lo ngày một lớn đối với xã hội.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã phát động nhiều phong trào thu gom tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả. Từ vỏ nắp chai và những thìa cafe bằng nhựa đã qua sử dụng đội ngũ cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh đã tạo nên tấm Bản đồ Việt Nam trao tặng cho  các trường học trên địa bàn, đây là một sản phẩm giáo cụ trực quan hết sức sáng tạo, ý nghĩa và giàu tính giáo dục được tạo nên từ vật liệu nhựa phế thải. Sản phẩm này được các CBCS Công an tỉnh Điện Biên thực hiện trong thời gian gần 01 tháng. Để thực hiện ý tưởng, cuối mỗi tuần, các chiến sĩ lại tranh thủ đi thu gom các loại vật liệu nhựa đã qua sử dụng tại các đơn vị, nơi công cộng, làm vệ sinh sạch sẽ, bọc lại để tăng độ bền, sơn màu, bắn keo, đính lên khung khá kỳ công. Tấm bản đồ hoàn thiện bằng hơn 1.000 nắp chai và thìa nhựa thể hiện chính xác hình dáng, tỷ lệ, không gian đất liền, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Qua các tiết học với giáo cụ trực quan sinh động, các em dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ hình dáng đất nước, các vị trí địa lý, sự kiện lịch sử quan trọng cũng như hình thành ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, kích thích ý tưởng sáng tạo tự làm đồ chơi, đồ trang trí, các vật dụng hữu ích từ vật liệu tái chế…

 

Các chiến sĩ làm bản đồ Việt Nam bằng nhựa tái chế để tặng cho các tường học.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hàng năm vào mùa mưa những trận lũ quét kéo theo bùn, đất, đá từ trên đồi cao bất ngờ tràn xuống các khu dân cư, công sở cuốn trôi nhà cửa, tài sản và tính mạng của biết bao người. Hàng chục đoạn đường bị ách tắc do khối lượng đất lớn từ trên đồi sạt xuống; hàng chục ha rừng, hàng chục ngôi nhà của người dân bị cháy… đe dọa nghiêm trọng đời sống của người dân.

 Với chức năng là đơn vị chủ công trong công tác cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, đấu tranh với các hành vi vi phạm về môi trường. Một trong những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững và mang lại hiệu quả cao chính là việc tuyên truyền, phát động nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa với biến đổi khí hậu thông qua những việc làm cụ thể. Hàng loạt những việc làm có ý nghĩa, mang tính giáo dục cao trong công tác bảo vệ môi trường, lan tỏa lối sống xanh tới mọi người, nhất là với các thế hệ thanh niên, học sinh trên địa bàn đã được lực lượng CBCS Công an tỉnh Điện Biên triển khai như: Phong trào “Bảo vệ dòng sông quê hương”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, “ Thu gom, phân loại và xử lý rác thải”, “Sáng kiến sử dụng vật liệu tái chế”…. Từ những khối óc luôn biết nghĩ cho mọi người, vì mọi người, phát huy tinh thần sáng tạo tập thể, từ chai nhựa, nắp chai nhựa, thìa sữa chua, lốp xe cao su đã qua sử dụng…qua đôi bàn tay khéo léo của cán bộ, chiến sĩ Công an Điện Biên, những sản phẩm tái chế đẹp, mang nhiều giá trị sử dụng như: chậu, giỏ trồng hoa đủ loại, đủ kích cỡ hoặc bộ bàn ghế ngồi uống nước… Những chậu hoa bung bông rực rỡ, trong một không gian xanh, mát đã trở thành điểm nhấn của đơn vị, giúp các CBCS thấy được ý nghĩa từ thành quả lao động tập thể, góp phần thôi thúc các em hành động để giữ gìn môi trường sống tại nơi làm việc cũng như nơi cư trú, trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày.

Chậu hoa bằng lốp xe ô tô tái chế tại Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết không riêng của một quốc gia, chính phủ, tổ chức hay một cá nhân nào. Mỗi người bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản hằng ngày đều có thể góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, hạn chế rác thải, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng. Mỗi hành động đó đã góp vào thành công chung cho công cuộc bảo vệ môi trường, lan tỏa sâu rộng trong mỗi cá nhân, cộng đồng thêm ý thức giữ gìn để môi trường sống thêm “xanh”./.
 

Tác giả: Bài, ảnh: Trường Long

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây