DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Chủ nhật - 24/11/2013 19:43
Ảnh ( nguồn : Internet)
Hô hào tinh giảm biên chế, không phải bây giờ Quốc hội mới nói, không phải bây giờ dân mới bàn. Chủ trương này, vấn đề này đã nói, đã bàn từ nhiều năm nay, thậm chí hàng chục năm nay. Từ NQ 16 năm 2000 của Chính phủ, cho đến mới đây là Nghị định 132... Vậy nhưng, xem ra cái sự giảm biên quả là ... khó. Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, năm trước, năm nay, biên chế, số lượng công chức, viên chức đều tăng.
Tuy nhiên, nói như ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ thì biên chế không tăng, việc tăng chủ yếu do những cơ quan, đơn vị tách, thành lập mới.v.v..Nói như vậy cũng là một cách biện bạch mà thôi. Bởi cái sự quản, người ta trông vào cái tổng thể, cả bộ máy. Không thể trong một tổng thể, cứ tách, lập mới mà lại ...thêm, để "cái bánh lương” nói chung, với nguyên liệu tiền ngân sách, tiền thuế của dân phải chi ra càng nhiều. Dù đói, dù no, cái việc chi để nuôi bộ máy, oái oăm thay vẫn phải chi. Cũng oái oăm thay, lâu nay, có nơi, có chỗ, người ít nhưng miếng bánh được chia lại to. Và người ta tìm đủ mọi cách để tiêu, để ăn. Lại nữa, chuyện một mâm cơm mấy bộ quản, một việc mấy người cùng làm. Sự chồng chéo, thừa người, ít việc này vẫn xảy ra. Vấn đề dư luận cho rằng 30% công chức lại không làm được việc. Đây không chỉ là băn khoăn của các đại biểu Quốc hội. Trong tình trạng thu không đủ chi hiện nay, cái gì cũng phải giảm, thậm chí phải giảm cái bánh ngân sách để chi cho bộ khung kia. Giảm phần chi, đương nhiên sẽ giảm đến thu nhập của cán bộ, công chức. Tiêu cực, tham nhũng dễ lại phát sinh. Bởi vậy, yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng bộ máy là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Giảm gọn bộ máy, miếng bánh của mỗi cán bộ, công chức càng to ra, đời sống tăng, bớt đi cái cảnh chân trong, chân ngoài để chú tâm vào công việc chung. Để giảm biên chế, quả không đơn giản khi đó đây mỗi cá nhân đều chằng chịt các quan hệ. Vấn đề là phải khách quan, công bằng và phải mạnh tay.