DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 20/11/2013 21:33
Ảnh (nguồn : Internet)
Lâu nay, dư luận vẫn dị nghị nhiều xung quanh việc thi tuyển, tuyển dụng, lấy thêm cán bộ, công chức, viên chức. Câu chuyện về việc "chạy” công chức hàng trăm triệu vẫn len lỏi trong thực tế cuộc sống. Vị trí và chất lượng, hiệu quả công việc luôn có sự vênh nhau. Luôn đó đây có nghịch lý, người làm không hết việc, kẻ ngồi chơi để giết thời gian.
Con số công chức, viên chức vẫn tiếp tục phình… Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kỳ này cho thấy: Số lượng công chức, viên chức vẫn đang tiếp tục gia tăng. Trong 03 năm từ 2010 - 2012 có 28.132 cán bộ, công chức nghỉ chế độ thì số tuyển mới là 63.337 người, tăng 35.205 người (tăng 125%). Cũng trong 3 năm này, số viên chức nghỉ chế độ, chính sách là 63.015, nhưng số tuyển mới lên đến 263.564 người, tăng 200.549 người (tăng 318%)… Theo quy định, việc tuyển dụng kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng đến năng lực, phẩm chất đạo đức; một số chính sách phù hợp, nhất là việc tăng cường cán bộ, công chức, viên chức về công tác tại tuyến cơ sở, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cùng với việc tuyển dụng, bổ sung là liên tục việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao. Tính đến ngày 31-12-2012 cả nước có 535.528 cán bộ, công chức, 1.699.288 viên chức. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức có 2.209 tiến sĩ (0,4%), 19.666 thạc sĩ (3,7%), 278.198 cử nhân (đại học) (51,9%); số công chức đã được đào tạo về lý luận chính trị là 251.110 người (46,9%). Trong số viên chức có 12.199 tiến sĩ (0,7%), 70. 923 thạc sĩ (4,2%), 731.506 cử nhân đại học (43%). Theo kết quả giám sát, thời gian qua, việc bổ sung nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ cấp xã, phường được chú trọng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được nâng lên một bước. Đến năm 2012, đã có 53.974 cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên (24,8%); tỉ lệ đã đào tạo về quản lý nhà nước là 103.902 người (47,8%)... Chất lượng và hiệu quả chưa cao Giám sát của Quốc hội cho biết, vẫn còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, nhất là với cán bộ cấp xã, phường. Về trình độ chuyên môn: có 63.557 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo, chiếm 11,9%; 282.561 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Tỉ lệ có trình độ cao lại chủ yếu tập trung ở trung ương và các tỉnh, thành phố lớn, như trong số 2.209 tiến sĩ tập trung ở các cơ quan trung ương đến 1.601 người… Đặc biệt với cán bộ, công chức cấp xã tỉ lệ có trình độ dưới đại học là 163.293 người (chiếm 75,2%); tỉ lệ chưa qua đào tạo về quản lý nhà nước là 113.365 người (chiếm 52,2%). Chưa đáp ứng về trình độ thể hiện trên văn bằng thực tế đã là một chuyện. Còn chuyện có bằng cấp đấy, nhưng chất lượng thực sự của bằng cấp mới là vấn đề nan giải. Nhiều người được tuyển dụng có khá nhiều bằng cấp, kể cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng hiệu quả công việc thấp. Cũng theo báo cáo giám sát của Quốc hội, việc đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang, thiếu tính toàn diện, thiếu những tiêu chí cụ thể, chưa phản ánh đúng thực chất để làm cơ sở cho công tác bổ nhiệm. Nếu căn cứ vào báo cáo của các cơ quan, đơn vị, thì tỉ lệ cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ rất ít, trong khi dư luận đánh giá tỉ lệ này là cao. Trên thực tế, cơ chế đánh giá cán bộ, công chức như hiện nay rất khó xác định đúng và chính xác cán bộ, công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ. Bao giờ cán bộ công chức, viên chức thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, từ vị trí cho đến chất lượng công việc? Như yêu cầu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết, hoàn thiện các quy định của pháp luật, tránh chồng chéo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời cần tiến hành rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm giảm thiểu chi phí, tốn kém và hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức nói chung và công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nói riêng…