DIC-Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biênhttp://dic.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 09/12/2013 19:45
Lớp tập huấn thương mại điện tử tỉnh Điện Biên 9/2013. Ảnh : P.V
Được biết đến là hình thức kinh doanh mới, hiện nay, phương thức giao dịch thương mại điện tử đã được không ít doanh nghiệp uy tín trên địa bàn tỉnh tin tưởng, lựa chọn trong chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thông qua phương tiện điện tử, các hoạt động thương mại được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, mở rộng không gian kinh doanh.
Là hình thức giao dịch thương mại mua sắm qua internet và qua mạng, lợi ích lớn nhất mà thương mại điện tử (TMĐT) đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Với chi phí rẻ, tiện lợi lại nhanh gọn hơn so với các hình thức giao dịch truyền thống, TMĐT giúp các bên có thể giao dịch ở khoảng cách xa hay gần, hạn chế chi phí đi lại hoặc thời gian gặp mặt.Trên thực tế kinh doanh trực tuyến với website TMĐT không đòi hỏi nhiều vốn, nhiều khả năng sinh lợi lại giúp tìm kiếm đối tác và dễ học hỏi kinh nghiệm từ các website lớn miễn phí. Việc ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh và thành lập trang web chào hàng, tìm kiếm đối tác của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhận được sự hỗ trợ lớn của Sở Công thương. Từ năm 2010 đến nay, Sở Công thương đã xúc tiến, hỗ trợ 100% vốn giúp 25 doanh nghiệp trên địa bàn thành lập trang web. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ăn uống, lương thực thực phẩm. Tùy chi phí trong từng giai đoạn, trước đây là 25 triệu đồng và hiện nay là 15 triệu đồng. Việc mở website đã giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên doanh liên kết. Như trang web của Công ty TNHH Trà Phan Nhất, Nhà hàng Ngọc Mai, Nhà hàng Hương Đồng Nội, Siêu thị Hoàng Nga, Trung tâm thương mại Him Lam Plaza...Để giúp các doanh nghiệp tổ chức hoạt động trang web hiệu quả, thu hút lượng khách truy cập tìm hiểu thông tin, định kỳ hằng năm Sở Công thương đều tổ chức các khóa tập huấn, trang bị kiến thức, cập nhật những thông tin mới có liên quan trên sàn giao dịch. Đặc biệt, trung tuần tháng 9 vừa qua, Sở Công thương Điện Biên đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin (VECITA) và Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (ECOMVIET) mở khóa tập huấn trang bị kiến thức TMĐT cho đại diện 50 doanh nghiệp và một số đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh. Nét đổi mới lần này là huy động sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức sản xuất kinh doanh. Đây là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp làm ăn uy tín có cơ hội nắm vững kiến thức về TMĐT và ứng dụng vào khai thác thông tin, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đơn vị. Đại diện các doanh nghiệp đã được tìm hiểu về nội dung Nghị định 52/2013/NĐ - CP của Chính phủ về TMĐT; Thông tư 12/2013/TT - BCT quy định về thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website TMĐT và dự thảo, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, học viên còn được cập nhật thông tin về xu hướng TMĐT trên thế giới, bí quyết xây dựng thương hiệu trên môi trường internet. Đặc biệt là kỹ năng khai thác thông tin trực tuyến. Với những dẫn chứng cụ thể từ thực tế, các giảng viên đã giúp các doanh nghiệp nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận dạng các giao dịch thiếu an toàn có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh.Theo ông Phạm Xuân Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, hiện nay nhu cầu mở website của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh rất lớn. Song để công tác hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, đúng mục đích, giúp doanh nghiệp thêm cơ hội mở rộng sản xuất, thu hút khách hàng và nâng cao thị phần tiêu thụ sản phẩm, trước khi hỗ trợ phải thực hiện xét duyệt thẩm định, sàng lọc. Nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, sản phẩm đảm bảo chất lượng, chiến lược kinh doanh ổn định mới được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.Quyết định 678/QĐ-UBND ngày 14/7/2011 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 - 2015 đặt mục tiêu, phấn đấu 100% cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp biết đến lợi ích của TMĐT; 35% doanh nghiệp tiến hành giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp với doanh nghiệp cùng các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng. Trong đó, 80% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin, 20% doanh nghiệp có trang tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp và 15% doanh nghiệp tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với tổng kinh phí triển khai cho cả giai đoạn gần 4,2 tỷ đồng, theo đó ngoài triển khai pháp luật và phổ biến tuyên truyền nâng cao nhận thức về TMĐT, tỉnh sẽ chú trọng cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới lĩnh vực công nghiệp và thương mại, cũng như nâng cao hiệu quả năng lực quản lý Nhà nước và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Chiếm kinh phí lớn nhất trong tổng kinh phí dành cho phát triển TMĐT của tỉnh ta giai đoạn 2011 - 2015 là 2 hợp phần: Hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập, sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng của doanh nghiệp (1,5 tỷ đồng) và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT (1,5 tỷ đồng). Hy vọng cùng với chính sách hỗ trợ đắc lực của Nhà nước, sự phối hợp triển khai đồng bộ, tích cực của các đơn vị và hơn hết là tầm nhìn xa của mỗi doanh nghiệp, tổ chức thì TMĐT sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tìm kiếm cơ hội giao thương, cạnh tranh lành mạnh. Từ đó đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy các thành phần kinh tế của tỉnh ngày một phát triển.