PC-Covid là nền tảng duy nhất để phòng, chống dịch

Thứ hai - 18/10/2021 05:08
Chiều ngày 16/10/2021, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc chủ trì Hội nghị. Tham dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, các Thứ trưởng Bộ Y tế: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Công an, lãnh đạo UBND các tỉnh, quận, huyện, xã, phường, đại diện lãnh đạo y tế, công an các cấp tại gần 11 nghìn điểm cầu tại các địa phương.

PC-Covid, Sổ SKĐT và VNEID sẽ kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu từ 20/10

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 14/10/2021, đã họp với lãnh đạo 3 Bộ: Y tế, TT&TT và Công an, đã giao nhiệm vụ cho 3 Bộ và Viettel là công ty phát triển phần mềm, phải hợp tác chặt chẽ, đúng vai, mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, dùng phần mềm là thay đổi một thói quen, mà thay đổi thói quen thì không dễ. Người sử dụng là các cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng chắc chắn sẽ bỡ ngỡ, sẽ muốn làm bằng giấy như cũ, nhưng chỉ sau một vài ngày là sẽ quen, sẽ thấy tiện lợi. Cái khó là vượt qua những ngày đầu này. Bởi vậy, hỗ trợ triển khai của Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an, các Sở Y tế, TT&TT, Công an và của công ty phát triển phần mềm là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Người dân sẽ là người thấy được tiện ích lớn nhất, từ đăng ký tiêm, đến trả kết quả, đến dùng kết quả tiêm để đi lại theo qui định của Bộ Y tế. Và đây mới là mục tiêu cuối cùng. Thành công của một nền tảng số vẫn phải là ở cả hai, người phát triển và người sử dụng. Nhưng người sử dụng là 70-80%. Bởi vậy quyết tâm sử dụng công nghệ của ngành Y tế vẫn là quan trọng nhất, mang tính quyết định.

20211016-pg2-BTTTT.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Ba Bộ (Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Công an) đã thống nhất rằng: Chỉ có một app duy nhất phòng chống dịch là PC-Covid và app này do ba Bộ phối hợp triển khai. App PC-Covid tích hợp các chức năng từ những ứng dụng trước đây (Bluezone, NCOVI, v.v…) thành một ứng dụng thống nhất. PC-Covid là ứng dụng chỉ phòng, chống dịch Covid-19 và có tính thời điểm. Khi bệnh dịch kết thúc, Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ xem xét, đánh giá, quyết định về việc kết thúc việc sử dụng PC-Covid.

Ứng dụng VNEID do Bộ Công an chủ trì, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân và các nghiệp vụ quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an. Vì vậy, VNEID là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) do Bộ Y tế chủ trì và thay thế cho y bạ giấy. Với ứng dụng này, mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử. Người dân sẽ sử dụng ứng dụng cho để đi khám chữa bệnh và đi tiêm chủng không chỉ Covid mà còn tiêm chủng nhiều bệnh khác.  

20211016-pg2-BYT.jpg

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, việc triển khai các ứng dụng nói trên phải bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Ba Bộ cũng đã thống nhất dùng một mã QR code trên thẻ căn cước công dân để định danh công dân. Đối với những mã QR code sinh ra từ ứng dụng thì phải thống nhất áp dụng định dạng chuẩn do Bộ TT&TT ban hành để đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu với nhau, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết. 

Từ góc nhìn của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chúng ta đã tiêm được 61 triệu mũi tiêm chủng Covid-19. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là phải định danh, xác thực được tất cả thông tin của người tiêm chủng để phục vụ cho phòng chống dịch bệnh, đi lại, di chuyển. Trách nhiệm xác thực thông tin thuộc về cấp cơ sở, bởi chỉ cấp cơ sở mới có thể đảm bảo độ chính xác dữ liệu tiêm chủng của người dân. 

CSDLQG về dân cư là cơ sở dữ liệu gốc để đối soát, xác minh sự chính xác thông tin tiêm chủng của người dân

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, trong chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên toàn quốc, dữ liệu là quan trọng, tính chính xác trong dữ liệu tiêm chủng người dân là quan trọng. Bộ TT&TT, Bộ Y tế và Bộ Công an thống nhất sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu gốc để đối soát, để xác minh sự chính xác trong thông tin của người dân. 

20211016-pg2-tc.jpg

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với gần 11 nghìn điểm cầu

Hiện nay, toàn bộ dữ liệu tiêm chủng trên Nền tảng tiêm chủng (hiện đang được Bộ Y tế và 63/63 tỉnh, thành sử dụng phục vụ chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng) đã được kết nối đến Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm xã hội để đối soát, xác minh. Kết quả xác thực cho thấy, thông tin về người dân trong CSDL về tiêm chủng và CSDLQG về Bảo hiểm xã hội đạt 87% thông tin chính xác về số CCCD và họ tên. 

Đồng thời, Bộ TT&TT đã xong phương án kết nối, đã kết nối thử nghiệm với CSDLQG về dân cư qua Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP và sẵn sàng triển khai ngay khi Bộ Công an mở chính thức dịch vụ xác thực thông tin cá nhân, nghĩa là gửi các thông tin cơ bản của người dân và xác định có tồn tại một người với các thông tin đó hay không. Ba Bộ đã cùng thống nhất: Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Cục A05, A06 (Bộ Công an) và Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) cần kiểm tra, đánh giá, xác nhận bảo đảm an toàn, an ninh mạng trước khi kết nối, chia sẻ dữ liệu. 

Xử lý vấn đề sai sót, thiếu thông tin tiêm chủng của người dân trên nền tảng tiêm chủng như thế nào? 

Giai đoạn trước đây, khi triển khai tiêm thì Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 chỉ xác thực được số điện thoại của người đến tiêm thông qua nhắn tin mã OTP đến điện thoại. Các trường thông tin khác, do chưa có cơ sở dữ liệu gốc để so sánh, đối soát, nên chưa được xác thực, dẫn tới còn có sai sót trong quá trình cán bộ y tế nhập liệu thủ công. Vẫn có một số trường hợp xảy ra trong thực tế: Trường thông tin mã CCCD/CMND đã có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn còn hiện tượng cán bộ/người đến tiêm bỏ qua không nhập, cả nhà hoặc cả công ty đi tiêm sử dụng chung một số điện thoại để đăng ký. Nhiều người chỉ khai năm sinh, không khai ngày tháng sinh...

Đại diện Bộ TT&TT đề nghị chính quyền các cấp tích cực phổ biến đến người dân rằng: Nếu những thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót, chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ, hãy phản ánh trên Cổng tiêm chủng quốc gia tiemchungcovid.gov.vn trước ngày 25/10/2021. Sau ngày 25/10/2021, nếu vẫn còn sai sót, người dân phản ánh trực tiếp với cơ sở tiêm chủng nơi mình đã tiêm. Đến nay, trên toàn quốc đã có 2,7 triệu phản ánh, trong đó, 1,6 triệu phản ánh đã được xử lý. Trong 2,7 triệu phản ánh, có tới 1,2 triệu phản ánh chưa có mũi tiêm nào, tức là chưa được nhập vào hệ thống.

TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh cho người dân, trở thành điển hình làm tốt: tiếp nhận 1,6 triệu phản ánh, và xử lý được 1,5 triệu phản ánh, chiếm tỉ lệ 93%. TPHCM tổ chức được lực lượng trên 1.000 người tham gia vào xử lý các phản ánh hàng ngày.

Hiện mới có khoảng 7 địa phương trên cả nước đang tổ chức triển khai tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân về sai sót, thiếu thông tin dữ liệu tiêm chủng. Từ nay trở đi, người dân trước khi đi tiêm nên tải ứng dụng Sổ SKĐT và khai báo thông tin chính xác. Khi đi tiêm mang theo và xuất trình giấy tờ tùy thân là thẻ CCCD hoặc Thẻ BHXH đối với công dân Việt Nam, hộ chiếu đối với công dân nước ngoài. Sau khi tiêm, trong thời gian chờ theo dõi phản ứng sau tiêm (khoảng 30 phút), kiểm tra thông tin trên Sổ SKĐT và đề nghị cơ sở tiêm kiểm tra lại nếu không có chứng nhận tiêm trên Sổ SKĐT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng khuyến nghị. 

Lạng Sơn - lá cờ đầu triển khai hoàn toàn quy trình tiêm chủng trên nền tảng số

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn hiện đang triển khai toàn bộ quy trình tiêm trên nền tảng số tại toàn bộ 212 điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh. Tiêm mũi 1 đạt 82,9%, mũi 2 17,6%. Các điểm tiêm chủng của tỉnh Lạng Sơn thực hiện đầy đủ quy trình tiêm trên nền tảng số từ nhập số liệu thông tin người dân, lập kế hoạch, gửi thông báo cho người tiêm, khám sàng lọc, tiêm và xác nhận hoàn thành.

Giám đốc Sở TT&TT Lạng Sơn chia sẻ kinh nghiệm, việc nhập dữ liệu tiêm được thực hiện trên những kênh sau: Đăng ký trên nền tảng Cổng Tiêm chủng quốc gia hoặc qua Sổ SKĐT. Người dân chủ động đăng ký với chính quyền xã  qua kênh cộng tác viên (giáo viên, cán bộ y tế, Đoàn Thanh niên). Việc lập kế hoạch tiêm là quan trọng nhất và được triển khai theo độ tuổi, theo thôn hoặc theo giới tính. 

Kinh nghiệm thành công của tỉnh Lạng Sơn chính là sự quyết liệt chỉ đạo của người đứng đầu: Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid Quốc gia, Sở TT&TT và Sở Y tế. 

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, một số tỉnh, thành phố triển khai Chiến dịch tiêm chủng trên Nền tảng rất tốt và nghiêm túc ngay từ những ngày đầu là: Bình Dương (đơn vị đầu tiên đề nghị sử dụng dữ liệu trên nền tảng thay thế cho báo cáo thủ công hàng ngày); Ninh Bình, Lạng Sơn, Tây Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu,… 

 
Nền tảng tiêm chủng hiện đang được Bộ Y tế và 63/63 tỉnh, thành sử dụng phục vụ chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Nền tảng kết nối mạng Internet công cộng và cấp khoảng 12.000 tài khoản cho cán bộ y tế các cấp, quản lý hơn 45 triệu người, hơn 20 triệu người tải ứng dụng (app). Sau khoảng gần 04 tháng triển khai, Nền tảng đã ghi nhận thông tin của khoảng 58,6 triệu mũi tiêm, chiếm 96% mũi tiêm thực tế.

Công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng cho nền tảng số này đã được chú trọng ngay từ khâu thiết kế, phát triển và vận hành. Thực hiện công tác giám sát an toàn, an ninh mạng cho Nền tảng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10/2021 được thực hiện bởi Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và lực lượng tại chỗ của Viettel. Từ ngày 15/10/2021, sẽ bổ sung thêm sự tham gia kiểm tra, đánh giá của các Cục A05, A06 (Bộ Công an) và Bộ Tư lệnh 86 để tăng cường.

 

Tác giả: Giang Phạm (mic.gov.vn)

Nguồn tin: mic.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây